Quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế

18/04/2017 06:47

Nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP) đã làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước ở lĩnh vực đang rất "nóng" này.


Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh do 3 ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng đảm nhiệm. Mỗi ngành được giao thẩm quyền cụ thể đối với từng loại hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Những năm gần đây, các ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong đôn đốc, hướng dẫn, làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đến hết năm 2016, Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 3.094 cơ sở, đạt 73% số cơ sở thuộc diện phải cấp.

Tuy nhiên, trong công tác này có sự chênh lệch rõ nét giữa các ngành liên quan. Ngành y tế đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 1.736 cơ sở, chiếm 92% số đối tượng phải cấp (tuyến tỉnh cấp cho 100% số cơ sở, tuyến huyện cấp cho 86% số cơ sở). Trong khi kết quả cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của ngành y tế đạt cao thì của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công thương lại rất "khiêm tốn". Đến hết năm 2016, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 70 cơ sở, đạt 54%; ngành công thương cấp cho 1.288 cơ sở, đạt 58%. Kết quả trên phản ánh sự cố gắng ở mỗi ngành trong công tác này có sự khác nhau. Do đó, ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất nhằm phát hiện, ngăn chặn các cơ sở còn hạn chế, vi phạm về ATTP. Tuy nhiên, không ít cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Việc thông báo trước về kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở này che giấu, lấp liếm những hạn chế, vi phạm. Thực tế cho thấy nhiều cơ sở có đủ thời gian để hoàn tất các thủ tục pháp lý còn thiếu, vệ sinh sạch sẽ nơi sản xuất, chế biến thực phẩm, ngụy tạo bằng chứng để qua mặt các đoàn thanh tra, kiểm tra. Đến khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra thì cơ sở này lại "hiện nguyên hình" là nơi sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn.

Giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 53.713 cơ sở, trong đó có 43.704 cơ sở đạt yêu cầu về ATTP (chiếm 81%). Cùng thời gian trên, 60 cơ sở được thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó 45 cơ sở đạt yêu cầu về ATTP (chiếm 75%). Những con số trên cho thấy các cơ sở được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch còn quá nhiều, trong khi số cơ sở được thanh tra, kiểm tra đột xuất lại quá ít. Thực tế đã chứng minh rằng các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất thường có hiệu quả phát hiện, ngăn chặn sai phạm cao hơn nhiều so với thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, giảm thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.

Trong 5 năm qua đã có 1.275 cơ sở vi phạm về ATTP bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả các cơ sở vi phạm đều bị xử lý hành chính, chưa có cơ sở nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù Luật ATTP đã có quy định về những trường hợp vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự song thực tế hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa quan tâm áp dụng biện pháp này. Đây là một khoảng trống trong công tác quản lý, phòng chống thực phẩm bẩn.

Những hạn chế trên đã tồn tại từ nhiều năm nay, các cơ quan, địa phương, đơn vị nhận rõ điều này song việc khắc phục còn chậm trễ. Một khi những hạn chế đó vẫn còn tồn tại dai dẳng thì nhiều cơ sở vi phạm về ATTP vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, sẵn sàng dùng các thủ đoạn để sản xuất, kinh doanh bất chính. Và như thế, sức khỏe người tiêu dùng vẫn hằng ngày bị đe dọa.

TUẤN NGUYÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế