Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây và sự thay đổi địa chính trị ở Trung Đông, mối quan hệ này có tiềm năng định hình lại trật tự khu vực.
Trong một động thái đáng chú ý trên bàn cờ địa chính trị thế giới, Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian sẽ có chuyến thăm chính thức tới Moskva vào ngày 17/1 để ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, Đài Sputnik (Nga) ngày 16/1 đưa tin.
Nền tảng của mối quan hệ đối tác
Theo Phó Giáo sư Foad Izadi thuộc Khoa Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Tehran, việc ký kết hiệp ước hợp tác sắp tới giữa Nga và Iran nêu bật thực tế rằng hai quốc gia này có nhiều điểm chung về địa lý và lợi ích chiến lược. Hai nước cùng chung Biển Caspi và có mối quan hệ lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ.
Ông Izadi lưu ý thái độ thù địch của Mỹ và một số quốc gia châu Âu đối với Nga và Iran cũng đòi hỏi "nhiều sự hợp tác hơn giữa hai nước" và nói thêm rằng "để đảm bảo rằng chúng ta sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, các quốc gia có cùng lợi ích và mục tiêu nên hợp tác với nhau".
Về phần mình, chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ cho rằng hiệp ước hợp tác giữa hai nước được kí kết năm 2001 đã không còn đáp ứng được nhu cầu hợp tác hiện tại. Ông Lyamin nhấn mạnh rằng trong thỏa thuận mới, hợp tác an ninh sẽ giữ một "vị trí đặc biệt".
Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt
Thứ nhất, hợp tác kinh tế và thương mại. Trong bối cảnh cả hai nước đều đang chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc tăng cường quan hệ kinh tế là điều tất yếu. Chuyên gia Izadi chỉ ra rằng Iran có thể cung cấp nhiều mặt hàng mà Nga trước đây nhập khẩu từ châu Âu.
"Nga từng mua rất nhiều hàng hóa từ châu Âu trước cuộc xung đột ở Ukraine và một số hàng hóa đó có sẵn ở Iran. Vì vậy, các công ty Iran sẽ vui vẻ cung cấp một số sản phẩm không đến Nga từ châu Âu," ông nói.
Thứ hai, hợp tác quốc phòng và an ninh. Lĩnh vực này được xem là "một phần không thể thiếu trong quan hệ Iran - Nga trong nhiều thập kỷ qua". "Iran sở hữu một số năng lực trong các lĩnh vực này mà Nga muốn khai thác và sử dụng.
Ngược lại, Nga cũng có những tiềm lực mà Iran quan tâm. Vì vậy, giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác, hai bên đều có sự trao đổi 'cho và nhận'”, chuyên gia Izadi nhận xét.
Thứ ba, hợp tác không gian. Chuyên gia Izadi nhấn mạnh triển vọng hợp tác trong lĩnh vực không gian, nơi Nga có "công nghệ tiên tiến hơn Iran".
Về phần mình, chuyên gia Lyamin bổ sung rằng Iran đặc biệt quan tâm đến "kinh nghiệm to lớn" của Nga trong việc phóng vệ tinh vào quỹ đạo.
Về ý nghĩa chính trị, hiệp ước được ký kết trong bối cảnh địa chính trị phức tạp tại Trung Đông, đặc biệt sau sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria - một đồng minh quan trọng của cả Nga và Iran.
Ngoài việc ký kết hiệp ước, hai nhà lãnh đạo Nga và Iran dự kiến sẽ thảo luận về việc mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, vận tải, hậu cần và nhân đạo.
"Hiệp ước sẽ khẳng định mong muốn của các bên về sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và tương tác vì lợi ích của hòa bình và an ninh ở cấp độ khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố.