Mức độ bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung cho thấy những khó khăn trong việc kiềm chế căng thẳng.
Theo tờ Wall Street Journal ngày 7/3, những chỉ trích gay gắt mới nhằm vào Mỹ của giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc thế giới đã trở nên căng thẳng như thế nào.
Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đang có kế hoạch tiến tới "một điều gì đó giống như một lệnh ngừng bắn ngoại giao" khi đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến đến Bắc Kinh để thiết lập một khuôn khổ khả thi cho các cuộc đối thoại cấp cao liên chính phủ và ổn định quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.
Sau đó, việc Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện bay ngang qua Bắc Mỹ đã phủ bóng đen mới lên mối quan hệ của hai nước. Chuyến thăm trên đã bị hoãn lại và quan hệ giữa hai cường quốc có xu hướng rơi vào vòng xoáy của sự cáo buộc lẫn nhau và căng thẳng.
Tuần này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc đã cáo buộc Washington kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh và đẩy hai nước tới "xung đột".
Suisheng Zhao, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Denver, bang Colorado (Mỹ) nhận định: “Mọi thứ mà một bên làm đều bị bên kia coi là tiêu cực và được thực hiện với mục đích xấu xa. Đó là tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với “sự kiềm chế, bao vây và đàn áp toàn diện” dưới áp lực của các quốc gia phương Tây đứng đầu là Mỹ. Ngày 7/3, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tiếp tục cảnh báo rằng trừ khi Mỹ thay đổi hướng đi nếu không “chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu”.
Khi được hỏi về những chỉ trích từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính sách của chính quyền Biden không thay đổi: Họ tìm kiếm sự cạnh tranh với Trung Quốc chứ không phải xung đột.
Ông Kirby nói với các phóng viên ngày 7/3: “Đối với mối quan hệ song phương mang tính hệ quả nhất này, không có điều gì trong cách tiếp cận của chúng tôi khiến bất kỳ ai nghĩ rằng chúng tôi muốn xung đột. Chúng tôi hoàn toàn không muốn duy trì ở mức đó”.
Tuy nhiên, mức độ bất đồng trong quan hệ Mỹ-Trung cho thấy những khó khăn trong việc kiềm chế căng thẳng. Chính quyền Biden đã tiếp tục áp thuế thương mại từ thời Tổng thống Donald Trump, tăng cường kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, đồng thời tập hợp các đồng minh và các quốc gia khác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ với Moskva, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine và đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự quanh Đài Loan và vào mùa hè năm ngoái cắt đứt nhiều kênh đối thoại với Mỹ, bao gồm cả kênh liên lạc quân sự.
Michael Auslin, một nhà sử học tại Viện Hoover của Đại học Stanford, cho biết những bình luận trên của giới lãnh đạo Trung Quốc về sự kiềm chế của Mỹ chứng tỏ rằng: "Bắc Kinh không muốn bị phong tỏa và lặp lại quan điểm truyền thống của các quan chức nước này rằng 'Trung Quốc là nạn nhân trong các hành động của phương Tây". Theo ông Auslin, điều có liên quan là hiện nay Trung Quốc có sức mạnh quân sự và Bắc Kinh dường như muốn ám chỉ "họ (Mỹ) ép chúng tôi [nhưng] chúng tôi sẽ không lùi bước trước áp lực”.
Trước đó trong vụ khinh khí cầu, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng đây là một thiết bị theo dõi thời tiết vô hại và bắn hạ thứ mà Washington nói là khinh khí cầu do thám bằng tên lửa Sidewinder. Đằng sau những căng thẳng và những cáo buộc mới này là những lo lắng rằng hai cường quốc đang trên quỹ đạo hướng tới xung đột thực sự trong tương lai.
Sau sự cố khinh khí cầu, Mỹ đã trì hoãn "bước đi tốt nhất của mình" để xoa dịu căng thẳng song phương: chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Tiếp đó trong chuyến thăm châu Âu, quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục đưa ra chỉ trích Mỹ tại mỗi điểm dừng chân. Washington phản ứng bằng cách bác bỏ kế hoạch hoà bình 12 điểm cho Ukraine của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng công khai cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp cho Nga viện trợ sát thương, chẳng hạn như máy bay không người lái và vũ khí.
Tóm lại, căng thẳng ngoại giao đã khiến việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên khó khăn, với việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước hy vọng diễn ra vào cuối năm nay ngày càng phức tạp hơn, trong bối cảnh các quốc gia ở châu Á và châu Âu mong muốn có mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn nhằm làm giảm rủi ro chính trị khi giao dịch với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo Báo Tin tức