Triều Tiên chính thức lên tiếng “xóa sổ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ”. Trong khi đó, Mỹ cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “mất tất cả” nếu thực hiện các hành vi thù địch.
Triều Tiên thử pháo phản lực siêu lớn tại tỉnh Nam Hamgyong ngày 28.11. Ảnh: KCNA.
Không đợi đến thời hạn chót cuối năm, Triều Tiên đã chính thức lên tiếng “xóa sổ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ”, đồng thời còn thông báo nước này đã có một “cuộc thử nghiệm quan trọng” được thực hiện ở bãi phóng vệ tinh Sohae. Trong khi đó, Mỹ thì cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “mất tất cả” nếu thực hiện các hành vi thù địch. Những diễn biến mới này đang đặt tình hình bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ quay trở lại ngưỡng căng thẳng như hồi năm 2017.
“Đấu khẩu” giữa Mỹ và Triều Tiên
Tiếp nối các hoạt động phóng thử vũ khí liên tiếp trong thời gian qua, ngày 8.12 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thực hiện một cuộc “thử nghiệm rất quan trọng” vào một ngày trước đó tại trạm phóng vệ tinh Sohae ở miền Tây Bắc. Điều đáng nói, đây là địa điểm từng diễn ra các vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa của Triều Tiên và cũng là nơi mà Bình Nhưỡng đã từng cam kết dỡ bỏ vào năm 2018. Theo quan điểm mà Triều Tiên đưa ra, thì vụ phóng thử này sẽ giúp thay đổi “vị trí chiến lược” của nước này trong một tương lai gần.
Tuy bản tin đăng tải trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) không tiết lộ cụ thể nước này đã thử nghiệm thiết bị gì tại Sohae vào ngày 7.12 vừa qua, song việc Triều Tiên chủ động đưa ra thông báo về hoạt động tại Sohae là một diễn biến “ít có tiền lệ”, bởi trước đó, các động thái của Triều Tiên thường được Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nắm bắt và đưa ra thông báo trước, rồi sau đó Bình Nhưỡng mới xác nhận theo sau.
Trong khi đó từ phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ngày 10.12 cho rằng "vụ thử rất quan trọng" mà Triều Tiên công bố tiến hành hôm 7.12 vừa qua là thử động cơ tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động quân sự như vậy. Một số chuyên gia Hàn Quốc thì cho rằng, Triều Tiên có thể đã phóng thử một động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, vốn được cho là mất ít thời gian để nạp nhiên liệu hơn là nhiên liệu lỏng và có thể nâng cao khả năng bí mật tấn công. Triều Tiên cũng được cho là đã cải thiện được tầm bắn tên lửa thông qua vụ thử nghiệm. Trong khi đó, cũng có một số thông tin cho rằng vụ thử thiết bị do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước đã sử dụng nhiên liệu lỏng.
Tình hình bán đảo Triều Tiên cũng trở nên xấu đi khi ngày 7.12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song tuyên bố vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết. Đại sứ Kim Song cho rằng "cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng" mà Mỹ tìm kiếm chỉ là cách để Washington tiết kiệm thời gian để mang lại lợi ích chương trình nghị sự trong nước.
Ngay sau khi thông tin về vụ thử nghiệm thiết bị của Triều Tiên được phát đi, ngày 8.12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về những hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Ông bày tỏ hy vọng đạt được tiến triển với Triều Tiên, nhưng ông cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "có thể mất mọi thứ nếu hành động theo cách thù địch”. Tổng thống Trump nhắc lại lập trường rằng, dưới vai trò của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã trở thành một nước có tiềm năng kinh tế to lớn, song Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa như đã cam kết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trả lời phỏng vấn hãng tin tức Fox News ngày 8.12 cũng cho biết quân đội Mỹ đã sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa. Ông Esper cho rằng Mỹ có thể ngay lập tức giành phần thắng trong một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, song ông khẳng định rằng Mỹ luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
Đáp lại lời cảnh báo sẽ "mất tất cả" từ Mỹ, ngày 9.12, ông Kim Yong-chol, nguyên đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên, khẳng định Triều Tiên "không có gì để mất", đồng thời nhấn mạnh thời hạn chót cuối năm mà Bình Nhưỡng đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân đang đến gần.
Triển vọng mờ mịt cho đàm phán Mỹ-Triều
Những diễn biến trên đang khiến quan hệ Mỹ-Triều Tiên có chiều hướng rơi vào căng thẳng như hồi năm 2017. Còn nhớ năm 2017 đã chứng kiến vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong lịch sử của Triều Tiên, chưa kể đến 18 lần thử tên lửa khác…, trong khi Mỹ cũng đã áp dụng tới gần 250 biện pháp trừng phạt với nước này trong năm 2017. Do đó, năm 2017 được coi là năm mà căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang cực độ với những tuyên bố "trút lửa thịnh nộ" và những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh".
Sau đó, năm 2018 và đầu năm 2019 đã ghi nhận những tín hiệu nồng ấm trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên, thể hiện qua 2 hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước Trump-Kim, cùng với đó là việc Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhưng sự nồng ấm chỉ dừng ở đó, quan hệ hai nước đã trở nên lạnh nhạt bắt đầu từ sau sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 2.2019 vừa qua, do bất đồng chưa thể thu hẹp liên quan tới việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các biện pháp hồi đáp từ phía Mỹ.
Sau thời gian dài bế tắc, vào tháng 10.2019, Mỹ và Triều Tiên đã nối lại vòng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên chính thức đầu tiên tại Thụy Điển. Tuy nhiên vòng đàm phán này cũng không mang lại tiến triển. Sau cuộc đàm phán này, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã “tay trắng” tới bàn đàm phán khi không đưa ra đề xuất mới, và cảnh báo tới cuối năm 2019 nếu Mỹ không thể đưa ra một đề xuất mới giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân song phương thì Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ đàm phán và chọn "một con đường khác".
Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ-Triều đang rơi vào bế tắc do những bất đồng giữa hai bên về tiến độ phi hạt nhân hóa, cũng như thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và cung cấp các bảo đảm an ninh, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh muốn nhìn thấy những bước phi hạt nhân hóa đầu tiên thật cụ thể và có thể kiểm chứng.
Khi những bế tắc trên bàn đàm phán chưa tìm ra lối thoát, kể từ tháng 5.2019 đến nay, Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo, với 13 vụ, trong đó có 4 vụ là thử nghiệm bệ phóng tên lửa siêu lớn (tính đến ngày 28.11). Triều Tiên cũng cảnh báo sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa không đạt đột phá trước khi hết năm 2019. Các nhà phân tích cho rằng, dường như Triều Tiên đang muốn gây sức ép với Mỹ thông qua các vụ thử vũ khí liên tiếp trên, khi các yêu cầu của Bình Nhưỡng vẫn chưa được đáp ứng.
Và lần này, cũng giống như 13 lần trước, việc Triều Tiên tiến hành thử động cơ tên lửa ngày 7.12 tiếp tục được xem là thông điệp cảnh báo mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, đây cũng được nhận định là một bước đi mạo hiểm bởi việc thử tên lửa có thể sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với những quan ngại và phản ứng của dư luận quốc tế. Và thực tế là gần đây, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh đã lên án việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh căng thẳng nổi lên với những màn “đấu khẩu” giữa Triều Tiên và Mỹ những ngày qua, các nhà phân tích cho rằng nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng, cũng như sự nghi kỵ lẫn nhau thì con đường dẫn đến hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ vẫn còn nhiều trắc trở.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Triều Tiên có thể sẽ không khiến cho tiến trình đối thoại trở nên phức tạp hơn bằng những hành động khiêu khích vội vàng bởi Triều Tiên nhận thức được các cơ hội ngoại giao từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Các chuyên gia cho rằng trạng thái “nguội lạnh” hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục một lần nữa trở thành phép thử đối với vai trò trung gian và ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước mục tiêu phi hạt nhân hóa và tái thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo TTXVN