Năm 2019 đã sắp khép lại song tiến trình đàm phán Mỹ-Triều Tiên thì vẫn dang dở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30.6.2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Có thể thấy trong năm qua, đàm phán Mỹ-Triều “đã khó lại càng thêm khó” khi cả Mỹ và Triều Tiên vẫn đang dội những “gáo nước lạnh” vào tiến trình đối thoại giữa 2 bên. Những diễn biến trong 1 năm qua cho thấy chính sách siết chặt trừng phạt của Mỹ dường như không đem lại hiệu quả, nếu không muốn nói là đang "đổ thêm dầu vào lửa".
2019 - chưa có đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều
Tiếp nối những diễn biến thiện chí của năm 2018, đầu năm 2019 đã ghi nhận những tín hiệu nồng ấm trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên, thể hiện qua hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước Trump-Kim vào tháng 2.2019 tại Hà Nội. Nhưng sự nồng ấm chỉ dừng ở đó, quan hệ hai nước đã trở nên lạnh nhạt bắt đầu từ sau sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 2-2019 do bất đồng chưa thể thu hẹp liên quan tới việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các biện pháp hồi đáp từ phía Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp cận vấn đề hạt nhân Triều Tiên với ý tưởng về một thỏa thuận cả gói, một thỏa thuận lớn, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đó là chính sách không thay đổi của đảng Cộng hòa Mỹ kể từ thời chính quyền Tổng thống George Bush.
Cụ thể hơn, Mỹ yêu cầu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng được nới lỏng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn khăng khăng phi hạt nhân hóa từng bước kèm theo động thái “có đi có lại” của Mỹ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Nói cách khác, nguyên tắc của Triều Tiên là "hành động đổi hành động", tức là hai bên phải cùng đồng thời hành động và tăng dần lên, thay vì Bình Nhưỡng đơn phương hành động phi hạt nhân hóa như một điều kiện tiên quyết để được Washington dỡ bỏ trừng phạt.
Trước những bế tắc giữa hai nước, cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên vào chiều ngày 30.6.2019 đã trở thành một sự kiện mang tính biểu tượng cao và được ca ngợi như “bước khởi đầu mới” mang tính lịch sử.
Trong cuộc gặp chớp nhoáng này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước về vấn đề hạt nhân “trong vài tuần” sau đó. Tuy nhiên, thực tế đã không được như vậy. Hai bên vẫn mâu thuẫn trong việc tiếp cận vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Sau thời gian dài bế tắc, vào tháng 10.2019, cuối cùng Mỹ và Triều Tiên đã nối lại được vòng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên chính thức đầu tiên tại Thụy Điển. Nhưng vòng đàm phán lại kết thúc mà không có tiến triển gì.
Sau cuộc đàm phán này, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã “tay trắng” tới bàn đàm phán khi không đưa ra đề xuất mới, và cảnh báo tới cuối năm 2019 nếu Mỹ không thể đưa ra một đề xuất mới giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân song phương thì Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ đàm phán và chọn "một con đường khác".
Không những thế, căng thẳng Mỹ-Triều còn liên tục leo thang khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên thông qua biện pháp siết chặt trừng phạt. Hệ quả của việc thực hiện trừng phạt của Mỹ đã không chỉ đẩy nền kinh tế Triều Tiên chìm sâu hơn nữa vào khó khăn mà còn cản trở việc thực hiện những thỏa thuận liên Triều, phần nào dẫn tới phản ứng “giận giữ” của Bình Nhưỡng. Có thể kể đến như việc dự án hiện đại hóa và kết nối đường sắt xuyên biên giới liên Triều, được khởi công vào tháng 12.2018, song đến nay vẫn chưa được thi công trong bối cảnh các trừng phạt quốc tế cấm hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng…
Triều Tiên cũng đã đáp lại chính sách mà Bình Nhưỡng coi là thù địch của Mỹ bằng các vụ thử liên tiếp tên lửa đạn đạo tầm ngắn, pháo phản lực siêu lớn và động cơ tên lửa (kể từ tháng 5.2019 đến nay là 14 vụ). Riêng trong tháng 12 đã thực hiện 2 cuộc phóng thử nghiệm tên lửa tại trạm phóng vệ tinh Sohae ở miền Tây Bắc nhằm nhấn mạnh răn đe đối với Mỹ.
Có thể nói, nửa cuối năm 2019, quan hệ Mỹ-Triều gần như rơi sâu vào vòng xoáy của những động thái cảnh báo, răn đe kiểu như vậy.
Hơn nữa, thể hiện sự bất mãn” với Mỹ vì những cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt ra một thời hạn chót là đến cuối năm 2019 để yêu cầu Mỹ phải thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa với nước này. Nhưng cũng không đợi đến thời hạn chót cuối năm, ngày 7.12, Triều Tiên đã chính thức lên tiếng “xóa sổ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ”, bất chấp việc Mỹ không đồng ý với quyết định này.
Vào những ngày cuối của năm 2019, quan hệ Mỹ-Triều đã trở nên căng thẳng hơn nữa bởi những màn “đấu khẩu” qua lại giữa hai nước. Trong khi Tổng thống Trump cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "có thể mất mọi thứ nếu hành động theo cách thù địch” thì Triều Tiên cũng cảnh báo Mỹ sẽ nhận được “quà Giáng sinh” không mong muốn từ Bình Nhưỡng nếu không đáp ứng mong đợi của họ. Điều này đã làm dấy lên quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể nối lại các hành động leo thang quân sự như phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Phản ứng lại, Tổng thống Turmp thể hiện không lo ngại về cảnh báo “quà Giáng sinh” của Triều Tiên, khẳng định Mỹ sẽ “đối phó thành công” việc này.
Tuy không có “quà Giáng sinh” song những màn “đấu khẩu” qua lại đang khiến tình hình quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đứng trước nguy cơ quay trở lại giai đoạn “bờ vực” như hồi năm 2017.
Còn nhớ năm 2017 đã chứng kiến vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong lịch sử của Triều Tiên, chưa kể đến 18 lần thử tên lửa khác, trong khi Mỹ cũng đã áp dụng tới gần 250 biện pháp trừng phạt với nước này trong năm 2017. Do đó, năm 2017 được coi là năm mà căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang cực độ với những tuyên bố "trút lửa thịnh nộ" và những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh".
Những rủi ro có thể xảy ra trong năm 2020
Theo các nhà phân tích, nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng, cũng như sự nghi kỵ lẫn nhau thì quan hệ Mỹ-Triều trong năm 2020 sẽ vẫn còn nhiều trắc trở.
Theo nhận định của tác giả Bonnie Kristian đưa ra trong bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat mới đây, Ngoại giao Mỹ-Triều có thể mang lại hiệu quả nếu Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị gần đây nhất của phía Mỹ, nhưng quan trọng là Washington cũng nên thực tế hơn trong các yêu cầu của mình. Đồng thời tác giả cho rằng đã đến lúc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Thật vậy, trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 16.12 vừa qua, đặc phái viên của Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cũng đã nói rằng “đây là khoảng thời gian để Mỹ-Triều thực hiện việc tạo dựng hòa bình”. Ông Biegun nhắn nhủ các đối tác Triều Tiên rằng “hãy để chúng tôi thực hiện điều này. Chúng tôi đang ở đây và các bạn biết làm thế nào để tiếp cận chúng tôi”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định để những phát biểu trên có thể đưa thế giới tới gần hơn với hòa bình thì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần sẵn sàng đàm phán để đạt được những kết quả khả quan.
Trong khi đó, về phía Triều Tiên, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song trong tháng 12 này cũng đã nói rằng trong tương lai gần, phi hạt nhân hóa khó có thể đạt được.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên trước đó cũng cho biết nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un từng nói rằng vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm an ninh nhằm chống lại sự can thiệp của quân đội nước ngoài. Do đó, việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược (CVID) là một yêu cầu không thể thực hiện trong ngắn hạn. Cũng chính vì Triều Tiên kiên quyết không chấp nhận thực hiện CVID trong ngắn hạn nên đã khiến vòng đàm phán mới của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ngay "từ trong trứng nước".
Vì vậy, giới chuyên gia lo ngại những diễn biến gần đây sẽ khiến tình hình Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn. Thay vì bước vào một giai đoạn ngoại giao mới thực chất vào năm 2020, tình hình Triều Tiên có nguy cơ quay trở về leo thang căng thẳng giống như hồi năm 2017, khi các nhà ngoại giao Mỹ phớt lờ các mục tiêu ngoại giao hợp lý như đồng ý một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức hóa việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều hoặc từng bước bình thường hóa môi trường chính trị trong và ngoài Triều Tiên. Việc Mỹ chỉ tập trung vào CVID cũng có thể khiến một chu kỳ khiêu khích mới lại bắt đầu, và đặc biệt hai bên không những khẩu chiến mà còn có thể rơi vào chiến tranh thực sự trong năm 2020 tới.
Theo TTXVN