Những vụ việc liên tiếp xảy ra trên thực tế thời gian qua, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa 2 cường quốc không hề êm dịu...
Quan hệ giữa Mỹ và Nga đang xấu đi sau những vụ trả đũa lẫn nhau giữa hai nước. Ảnh: Reuters
Từng có ý kiến cho rằng sau hơn hai thập kỷ kết thúc “Chiến tranh lạnh”, quan hệ giữa Washing ton và Moscow đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, những vụ việc liên tiếp xảy ra trên thực tế thời gian qua, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa 2 cường quốc không hề êm dịu.
Bất đồng về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu ÂuTrải qua nhiều thăng trầm trong suốt các nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993-2001) và G.Bush (2001-2009), trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Nga - Mỹ tái xác lập lại quan hệ, với mục tiêu khép lại bất đồng để bước sang thời kỳ đối thoại có tính xây dựng hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chính tham vọng quá lớn của Mỹ nhằm duy trì vị trí độc tôn, răn đe hạt nhân chiến lược toàn cầu đã làm cho kế hoạch tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ không mấy tiến triển.
Hệ thống phòng thủ tên lửa NMD được coi là “chướng ngại vật” lớn nhất trong quan hệ Nga - Mỹ. Dư luận quốc tế đã từng chứng kiến việc Nga khăng khăng phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu NMD vì cho rằng hệ thống được triển khai gần biên giới là nhằm vào Nga, đồng thời yêu cầu một sự “bảo đảm pháp lý” từ Mỹ và NATO rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm vào nước này.
Tuy người Mỹ vẫn luôn phủ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào Nga, nhưng dư luận không khó để nhận ra rằng Nga mới là nước duy nhất sở hữu tiềm lực hạt nhân có khả năng để tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ.
Từ Magnitsky đến SnowdenNhững bất đồng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa chưa được tháo gỡ. Việc Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky vào cuối năm 2012 với mục đích chính là nhằm trừng phạt giới quan chức Nga vì lý do “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” sau cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky, càng làm cho hố sâu ngăn cách mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn thêm.
Đáp lại Đạo luật Magnitsky của Mỹ, Nga lập tức thông qua lệnh cấm công dân Mỹ nhận con nuôi người Nga đồng thời cũng cấm các tổ chức của Nga tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi của công dân Mỹ. Bên cạnh đó Nga cũng ra lệnh cấm tạm thời hoạt động của các tổ chức phi thương mại tham gia hoạt động chính trị tại Nga dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Các vụ trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Nga vẫn còn chưa ráo mực, việc Nga bắt quả tang một điệp viên CIA đội lốt nhà ngoại giao Mỹ móc nối với sĩ quan phản gián của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nhằm khai thác các thông tin cho Mỹ khiến cho báo chí lại có lý do để mổ xẻ về mối quan hệ vốn không mặn nồng giữa 2 nước lớn. Gần đây nhất, việc Nga cấp quy chế tị nạn 1 năm cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden khiến cho mối quan hệ ấy càng trở nên ngột ngạt.
Nga - Mỹ vẫn cần có nhauPhát biểu trước báo giới mới đây, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney (Giây Ca-nây) nhấn mạnh, mối quan hệ Nga - Mỹ kể từ khi tái xác lập cho tới nay đang phát triển theo hướng rất thực tế. Ông Carney cho rằng tính thực tế được thể hiện ở chỗ Washington mong muốn hợp tác với Moscow trong mọi lĩnh vực tiềm năng, đồng thời tìm cách làm rõ các vấn đề mà hai bên đang bất đồng. Bất chấp một loạt bất đồng dẫn tới quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9 tới tại Moscow, Mỹ và Nga vẫn cam kết sẽ tiếp tục hợp tác trong những vấn đề cùng quan tâm. Cam kết được hai bên đưa ra trong cuộc gặp "2+2" diễn ra ngày 9-8 tại Thủ đô Washington giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Sergei Shoigu.
Về phía Nga, mặc dù không đáp ứng đề nghị dẫn độ Edward Snowden, người bị chính quyền Mỹ coi là “kẻ tội đồ” của nước này, một động thái khiến quan hệ Nga - Mỹ vốn không yên ổn bỗng chốc lại dậy sóng, nhưng Tổng thống Nga Putin vẫn khẳng định Moscow không chấp nhận bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Nga - Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga đặt điều kiện “Snowden chỉ được tị nạn ở Nga khi ông này ngừng tiết lộ thêm những bí mật của Chính phủ Mỹ”.
Mặc dù căng thẳng nhưng những động thái của cả hai bên cho thấy, họ vẫn còn cần cho nhau. Bởi, với cả Nga và Mỹ việc giữ mối quan hệ với một nước có vai trò quan trọng trên trường quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
PHƯƠNG LINH(biên soạn)