Sáng 6-6, Quốc hội (QH) họp toàn thể tại hội trường, thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này có 6 chương, 46 điều (bổ sung 6 điều mới; bỏ 6 điều; tiếp thu, chỉnh lý tại 40 điều).
Các đại biểu cơ bản tán thành dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và tập trung cho ý kiến về một số vấn đề: đối tượng, phạm vi điều chỉnh và tên gọi; nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực, tài chính trong hoạt động phòng, chống thiên tai; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt...
Đa số đại biểu thống nhất lấy tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như đề nghị trong báo cáo thẩm tra và tờ trình vì tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai, thể hiện thái độ chủ động trong phòng, chống thiên tai.
Liên quan đến vấn đề tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến nhất trí đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư phát triển và đề nghị quy định rõ về nguồn tài chính hằng năm cho phòng, chống thiên tai, việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động này từ Trung ương đến địa phương.
Cơ bản tán thành việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai nhưng một số ý kiến cũng đề nghị quy định rõ hơn phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, các đối tượng được miễn, giảm đóng góp; vấn đề quản lý, sử dụng quỹ.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, việc thành lập quỹ là cần thiết nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của công dân và thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên, các điều liên quan đến vấn đề này có nội dung chưa rõ ràng, còn chồng lấn; cần quy định nguyên tắc hoạt động của quỹ, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đồng thời cần cân nhắc độ tuổi đóng góp và đối tượng đóng góp bắt buộc.
Về vấn đề nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến tán thành khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), việc huy động nguồn nhân lực tại chỗ là điều kiện tiên quyết trong nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, vai trò của lực lượng vũ trang đã được khẳng định bằng việc đưa ra quy định cụ thể đối với 3 lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ. Trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt và quan trọng nhất trong tham gia phòng, chống thiên tai. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhấn mạnh, trên thực tế, lực lượng vũ trang luôn là lực lượng nòng cốt trong khắc phục, ứng phó phòng, chống thiên tai. Quy định như dự thảo sẽ tránh sự ỷ lại của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động này.
Các đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, lực lượng dự bị động viên trên địa bàn xảy ra thiên tai...
Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
* Chiều 6-6, các Đoàn Đại biểu QH: Hải Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, do đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương làm Tổ trưởng đã thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) sửa đổi; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại buổi thảo luận, gần 10 ý kiến của các đại biểu: Huỳnh Tuấn Dương, Lê Đình Khanh (Hải Dương) và đại biểu ở các đoàn khác đều đánh giá Dự thảo Luật THTK, CLP đã làm rõ mục đích THTK, CLP là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc sửa đổi, ban hành luật là hết sức cần thiết để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế của luật hiện hành; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh với các hành vi gây lãng phí; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong các lĩnh vực THTK, CLP. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: tính kế thừa, tính cụ thể, tính khả thi của Dự thảo Luật THTK, CLP (sửa đổi); thảo luận về phạm vi điều chỉnh, tính đầy đủ, bao quát của các lĩnh vực phải THTK, CLP được quy định trong dự thảo luật. Một số ý kiến cho rằng luật chỉ nên điều chỉnh THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công; đối với các nguồn lực khác chỉ quy định mang tính định hướng, bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của các chủ thể hay luật cần điều chỉnh toàn diện việc quản lý, sử dụng mọi nguồn lực. Về cơ chế công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản… nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cần quy định chi tiết, cụ thể về THTK, CLP trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước. Các cuộc hội họp, triển khai cần rút gọn, tránh hình thức, lãng phí, không hiệu quả. Trong quản lý tài sản công cần quy định rõ, công khai càng rộng càng tốt, không nên chỉ bó hẹp ban lãnh đạo mới biết. Cần có chế tài, quy định khen thưởng người thực hành tốt việc tiết kiệm, CLP và xử lý người không THTK, CLP.
Hầu hết đại biểu đều đồng tình cao về việc cần thiết phải ban hành dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị: nội dung liên quan đến quốc phòng - an ninh cần để Chính phủ, Bộ Quốc phòng cho phép mới được đăng tải thông tin đấu thầu. Luật Đấu thầu cần quy định toàn bộ mảng đầu tư công và mua sắm công. Tình trạng thông thầu hiện diễn ra phổ biến, dẫn đến tốn kém, chất lượng, mục đích, yêu cầu đặt ra không bảo đảm. Muốn đấu thầu có hiệu quả thì cần quy định nghiêm ngặt xử lý việc thông thầu, nếu không dự án luật sẽ không khả thi. Xử lý tốt tình trạng lợi ích nhóm trong đấu thầu. Cần có tổ chức giám sát việc tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu để luật thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống.
Hôm nay 7-6, QH làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật THTK, CLP trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; QH thảo luận về nội dung giám sát. Buổi thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
TTXVN - PV