Quan điểm giáo dục của Bác đối với thanh niên

25/03/2012 09:17

Người còn căn dặn lại toàn Đảng, toàn dân hãy “chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.


Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ II nhiệt liệt chào mừng
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (2-11-1956)


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng. Vì Bác coi đó là một bộ phận quan trọng của dân tộc - những người chủ tương lai của nước nhà. Trước khi đi xa, Người còn căn dặn lại toàn Đảng, toàn dân hãy “chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Trong quan điểm giáo dục thanh niên của Bác Hồ hàm chứa nội dung rất phong phú và sâu sắc. Nhân Tháng thanh niên, tôi xin nêu ra đây một số lời dạy quan trọng mà thế hệ thanh niên ngày nay cần phải quán triệt và vận dụng sao cho có hiệu quả vào trong quá trình công tác của mình.

Trước hết, Bác rất coi trọng yếu tố tự vận động của thanh niên trong quá trình học tập, rèn luyện và tu dưỡng. Bác nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện và tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”. Bác yêu cầu thanh niên không thể ngồi đó chờ đợi những quyền lợi vật chất và tinh thần của xã hội đem đến, trái lại thanh niên phải tự giác vận động để tiến lên cống hiến cho xã hội ngày càng được nhiều hơn.

Trong sự vận động ấy, Bác đòi hỏi thanh niên phải cố gắng để đạt tới những chuẩn mực cao nhất, tức là có tác dụng đầu tầu cho mọi người làm theo trong tất cả các mặt hoạt động khác nhau. Trong lá thư gửi cho thanh niên, Bác viết: “Huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học tập, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng”. Bác thường khuyên thanh niên phải chủ động tiến công để chiếm lĩnh những đỉnh cao của lý tưởng cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động mới thông qua các hoạt động mang ý nghĩa đặc trưng cho tuổi trẻ. Bác nói: “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”.

Trong giáo dục thanh niên, Bác luôn luôn chú ý tới sự thống nhất giữa nội dung và phương thức giáo dục, giữa nhận thức và hành động, giữa lý luận và thực tiễn. Đó là sự biểu hiện quan hệ biện chứng giữa hai hình thái hoạt động trong khoa học giáo dục hiện đại (cái bên trong là do cái bên ngoài chuyển vào). Bác thường nhắc nhở mọi người: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội”. “Suốt đời phải gắn liền học tập với lao động sản xuất”. Bác coi hành động cách mạng là khâu then chốt nhất trong công tác giáo dục thanh niên, cho nên, Bác khuyên thanh niên “nên nói ít, làm nhiều”, “ham làm những việc ích quốc lợi dân”.

Bác đã chỉ ra cho thanh niên một môi trường hoạt động đa dạng và phong phú. Bác nói: “Không phải chỉ ở tại nhà trường có lên lớp mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được. Trong mọi hoạt động cách mạng chúng ta đều có thể và đều phải tự học tập, tự cải tạo”. Vậy là, thanh niên càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội khác nhau bao nhiêu thì nhân cách càng sớm hình thành và phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu.

Có thể khẳng định rằng quan điểm giáo dục thanh niên của Bác Hồ hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học giáo dục hiện đại trong chiến lược đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người có khả năng kế cận xứng đáng sự nghiệp cách mạng của ông cha để lại. Vì cái cốt lõi của quan điểm đó là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Ngày nay Bác Hồ đã đi xa, nhưng những lời di huấn thiêng liêng của Bác trong việc giáo dục thanh niên vẫn còn sáng ngời mãi cả về giá trị tinh thần và thực tiễn, cả về ý nghĩa khoa học và tính cách mạng.

Ghi sâu những lời dạy ân cần của Bác, thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay cần nêu cao ý chí quyết tâm phấn đấu để sớm trở thành lực lượng nòng cốt đáng tin cậy của Đảng, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao phó.

TS. PHẠM TRUNG THANH

(0) Bình luận
Quan điểm giáo dục của Bác đối với thanh niên