Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề HTX và thiết kế mô hình phát triển HTX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954)
Người cho rằng HTX là một hình thức tổ chức kinh tế thích hợp đối với những người không có điều kiện để tự giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, từ mong muốn từng bước xoá bỏ nguồn gốc của mọi sự áp bức, bóc lột đã thôi thúc Người sớm nghĩ tới mô hình HTX.
Vấn đề HTX được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày một cách tương đối hệ thống, đầy đủ, dễ hiểu, trong tác phẩm Đường kách mệnh xuất bản năm 1927 gồm: lịch sử, mục đích, lý luận, hình thức, cách thức tổ chức HTX. Người viết: "HTX là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ". "Tục ngữ An Nam có những câu: "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó" và "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao". Lý luận HTX đều ở trong những điều ấy". Theo quan niệm của Người, HTX là một hình thức tổ chức liên hợp, tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi của những người lao động hợp vốn, hợp sức với nhau để cùng hoạt động. Sự hợp vốn ở đây không chỉ đơn thuần là một phép tính cộng mà là sự hợp tác nhằm có vốn nhiều, thêm sức mạnh, giảm bớt khó khăn đưa lại lợi ích nhiều hơn. Đây là một mô hình được tổ chức trên cơ sở hợp tác nhằm tạo ra của cải cho xã hội, nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo Hồ Chí Minh, HTX có những đặc trưng cơ bản sau: "HTX khác hội buôn, vì hội buôn lợi riêng, HTX lợi chung; HTX tuy là để giúp đỡ nhau, nhưng không giống các hội từ thiện, vì các hội ấy có tiêu đi mà không làm ra, và giúp đỡ bất kỳ ai nhưng có ý bố thí, HTX có tiêu đi, có làm ra, chỉ giúp cho người trong hội, nhưng giúp một cách bình đẳng, một cách "cách mệnh" ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp".
Mục đích của HTX được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất mộc mạc, đơn giản, dễ hiểu. Người viết: HTX "cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây".
Chủ tịch Hồ Chí Mimh quan niệm, Việt Nam là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại bị bọn đế quốc và phong kiến tay sai phản động đàn áp, bóc lột hết sức tàn bạo, nặng nề thì vấn đề HTX là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu ích nước, lợi nhà. Chính vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cách mạng đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không coi nhẹ loại giặc nào. Người đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với tư tưởng "đem sức ta mà giải phóng cho ta", luôn dành sự quan tâm đặc biệt nhằm khôi phục, phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong thư gửi điền chủ, nông gia ngày 11-4-1946, Người viết: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có HTX". Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nước ta, Người đã chỉ ra những lợi ích của HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp, Người viết: "HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quá nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. HTX nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân". Lợi ích của HTX theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở đó, trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Người chỉ rõ, HTX là con đường để đưa người lao động tiếp cận và từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người coi hình thức kinh tế HTX là nửa chủ nghĩa xã hội và sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm việc tổ chức HTX phải thực hiện những nguyên tắc cơ bản sau:
- Thứ nhất: Tự nguyện. Theo Người, HTX là tổ chức của những người lao động nên không được dùng bất cứ hình thức ép buộc nào để đưa người lao động vào HTX. Do đó, đồng thời với quá trình phát triển của lực lượng sản xuất thì công tác tuyên truyền, giải thích, vận động, thậm chí là cả công tác huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng về HTX phải được đẩy mạnh tới tất cả người lao động, nếu thấy cần thiết thì tổ chức làm điểm để hướng dẫn, rút kinh nghiệm, Người chỉ rõ: "HTX là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền, giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào".
- Thứ hai: Tuần tự. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi xây dựng HTX không phải làm mau được mà phải làm dần dần, từng bước, tuyệt đối không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn, phải từ thấp đến cao, từ tổ đổi công tiến lên HTX quy mô nhỏ (bậc thấp) rồi tiến lên HTX bậc cao. Xây dựng tổ đổi công phải đi từ tổ đổi công từng vụ, từng việc. Khi trình độ của cán bộ và quần chúng khá hơn thì xây dựng tổ đổi công thường xuyên, khi tổ đổi công thường xuyên đã rộng khắp và có nền nếp mới tiến lên xây dựng HTX. Để cho dân chúng trực tiếp thấy rõ lợi ích của HTX, tự nguyện tham gia thì cẩn "phải xây dựng một số HTX "khuôn mẫu" phải làm thế nào cho xã viên trong HTX thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân trong tổ đổi công và tổ viên trong tổ đổi công thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân còn làm ăn riêng lẻ".
- Thứ ba: Bình đẳng, công bằng cùng có lợi. Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng theo nghĩa đã vào HTX: "thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau ai cũng bình đẳng như nhau”. Mặt khác, người yêu cầu một HTX muốn thu hút được xã viên tham gia thì cách tốt nhất là phải bảo đảm được lợi ích của HTX và xã viên. Cần phân phối một cách công bằng các sản phẩm theo kết quả lao động, tránh tình trạng bình quân, cào bằng. Trả lời câu hỏi: Trong HTX nông nghiệp phải phân phối thế nào cho đúng? Người nêu rõ: "Phân phối phải theo mức lao động. Lao động được nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít... Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân. Tuy nhiên, phân phối theo lao động không có nghĩa là những người không có khả năng lao động như người bình thường sẽ không được quan tâm, chăm sóc. Người viết: "Đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, HTX phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cũng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ”.
- Thứ tư: Dân chủ. Trong việc xây dựng HTX cũng như quyết định mọi vấn đề chung của mọi người thì phải được bàn bạc một cách thực sự dân chủ và phải tính toán công bằng hợp lý. Đối với lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: muốn quản lý tốt HTX, cán bộ quản trị phải dân chủ, phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, làm việc gì cũng cần bàn bạc kỹ với xã viên. Người viết "muốn xây dựng tổ đổi công, HTX được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý".
- Thứ năm: Phải có sự lãnh đạo. Việc xây dựng HTX phải có sự giúp đỡ và hướng dẫn của Nhà nước. Người lãnh đạo trực tiếp phải có đủ đức, tài. Theo Người, "Điều quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển mạnh nông nghiệp là: chỉnh đốn các ban quản trị HTX cho thật tốt. Ban quản trị tốt thì HTX tốt. HTX tốt thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt''.
Như vậy, từ mục đích, lý luận, nguyên tắc tổ chức HTX đã khẳng định rõ quan điểm của Hồ Chí Minh xây dựng HTX phát triển là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn đầu. Những quan điểm cơ bản về HTX của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây mà cho đến nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước vẫn còn giữ nguyên giá trị. Hiện nay và những năm tiếp sau trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, quan điểm của Người vẫn là những chỉ dẫn khoa học, là cơ sở để Đảng, Nhà nước vận dụng xây dựng các chủ trương chính sách đúng đắn đưa HTX tiếp tục phát triển hiệu quả.
VŨ QUANG ÁNH