Quan chức Mỹ nghi ngờ nguồn để lộ thông tin mật

10/04/2023 10:40

Một số chuyên gia an ninh phương Tây và các quan chức Mỹ cho rằng họ nghi ngờ nguồn rò rỉ thông tin mật từ một cá nhân ở Mỹ thay vì một đồng minh.

Chú thích ảnh

Lầu Năm Góc đã chuyển vụ rò rỉ thông tin mật lên Bộ Tư pháp Mỹ, mở một cuộc điều tra hình sự. Ảnh: AFP

“Mọi sự tập trung dồn về việc đây là một vụ rò rỉ từ Mỹ, vì rất nhiều tài liệu bị lộ chỉ có trong tay Mỹ", Michael Mulroy – một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc – trả lời hãng tin Reuters. Các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu.

Ngày 7.4 vừa qua, hơn 100 tài liệu mật đã xuất hiện trên Twitter và các nền tảng xã hội khác. Đây được coi là một trong những vụ vi phạm an ninh nghiêm trọng nhất kể từ hơn 700.000 tài liệu, video và thông tin ngoại giao đã xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2013.

Các tài liệu được xếp loại “tuyệt mật” và "mật" cho thấy chúng là những thông tin tình báo rất nhạy cảm của Mỹ. Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm các chi tiết về việc bố trí lực lượng Ukraine, hệ thống phòng không và thiết bị quân sự, thông tin mật về vũ khí và sự hỗ trợ mà Washington đã cung cấp cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga và thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở một số quốc gia. Ukraine cho biết tổng thống và các quan chức an ninh hàng đầu của nước này đã gặp nhau vào ngày 7.4 để thảo luận về cách ngăn rò rỉ thông tin.

Ngoài các tài liệu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, những nội dung bị rò rỉ bao gồm các bản sao báo cáo tình báo hàng ngày được cung cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley. Một số tài liệu được đánh dấu "NOFORN", có nghĩa là chúng không được phép phát hành cho công dân nước ngoài.

Được biết, các tài liệu này không phải là kế hoạch chiến tranh, cũng như không cung cấp chi tiết về bất kỳ cuộc tấn công nào đã được lên kế hoạch của Ukraine. Một số tài liệu có chứa các chi tiết được cho là không chính xác, trong đó ước tính số binh sĩ Nga thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Ukraine, thấp hơn nhiều so với con số mà giới chức Mỹ công khai. Điều này làm dấy lên hoài nghi về tính xác thực của tài liệu.

Ngày 9.4, hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng họ không loại trừ khả năng các tài liệu này có thể đã được chỉnh sửa để đánh lừa các nhà điều tra về nguồn gốc rò rỉ hoặc để phổ biến thông tin sai lệch có thể gây hại cho lợi ích an ninh của Mỹ.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết họ đang xem xét tính xác thực của các tài liệu dường như chứa thông tin nhạy cảm và được phân loại cao này. Lầu Năm Góc đã chuyển sự vụ lên Bộ Tư pháp và đơn vị đã mở một cuộc điều tra hình sự.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan chức Mỹ nghi ngờ nguồn để lộ thông tin mật