Quan chức EU muốn dùng tài sản đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine

10/05/2022 09:09

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đã đề xuất tịch thu tài sản ngoại hối bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine sau khi xung đột quân sự kết thúc.

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU

Trả lời phỏng vấn tờ FT hôm 9.5, ông Borrell dẫn lại việc tịch thu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan và kêu gọi EU thực hiện hành động tương tự với Nga. Nhà ngoại giao này cho biết hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm giải ngân 7 tỷ USD vốn thuộc sở hữu của Chính phủ tiền nhiệm Afghanistan. Khoản tiền này sau đó sẽ được sử dụng để viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Theo ý kiến của ông Borrell, “việc sử dụng tài sản của Nga cho các mục đích tương tự là hoàn toàn hợp lý”.

Ông Borrell nói rằng một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là: "Ai sẽ chi trả cho việc tái thiết Ukraine? Vì điều này sẽ cần một số tiền lớn”. Ông cho biết khoản tiền huy động được trong các hội nghị gần đây chỉ như “giọt nước giữa đại dương” và kêu cộng đồng quốc tế tìm ra những biện pháp khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Ông Borrell nhấn mạnh sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga có thể là một cách.

Tuyên bố của nhà ngoại giao EU cũng tương tự quan điểm trước đây của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Nhà Trắng. Phát biểu hồi đầu tháng, ông Michel nói: “Tôi cho rằng điều quan trọng không chỉ nằm ở việc đóng băng các tài sản của Nga mà còn là tịch thu chúng, cung cấp cho việc tái thiết Ukraine” .

Vào cuối tháng 4, Nhà Trắng đã trình bày loạt đề xuất toàn diện bao gồm việc thiết lập một cơ quan hành chính tinh gọn để tịch thu tài sản của những nhà chính trị hàng đầu của Nga, sau đó chuyển chúng cho Kiev để “khắc phục hậu quả của chiến dịch quân sự của Nga”. Về phần mình, Moskva cho rằng các kế hoạch này là “hành động chiếm đoạt tài sản cá nhân”.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, một nửa dự trữ ngoại hối của Nga - trị giá khoảng 300 tỷ USD - đã bị đóng băng theo một phần của lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và các đồng minh áp đặt. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moskva không thể lường trước được diễn biến này và động thái đóng băng tài sản của các cá nhân, thực thể của Nga về cơ bản cấu thành hành vi “chiếm đoạt”.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng Moskva coi việc đóng băng tài sản dự trữ của nước này là động thái chưa từng có tiền lệ và cảnh báo sẽ thách thức những quyết định trên.

Nga đã triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine sau khi cho rằng Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết vào năm 2014. Nước này sau đó cũng đã công nhận nền độc lập của 2 nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.

Phương Tây đã lên án vụ chiến dịch quân sự của Nga và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moskva. Theo đó, hàng nghìn cá nhân Nga đã bị nhắm mục tiêu, nhiều tài sản và tiền bạc của họ bị chính phủ khắp châu Âu tịch thu hoặc đóng băng. Moskva coi các động thái này là bất hợp pháp và phi lý. Quốc gia này cũng đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan chức EU muốn dùng tài sản đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine