Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lực lượng Công an nhân dânViệt Nam chính thức được thành lập, các tổ chức tiền thân của Công anHải Dương cũng ra đời từ đấy. Đó là "Đội Việt Minh danh dự" do Tỉnh ủytổ chức và trực tiếp lãnh đạo.
Đội có nhiệm vụ diệt ác trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng, bảo vệ các đội tuyên truyền xung phong hoạt động ngay trong lòng địch.
Ngày 18-8-1945 đội "Việt Minh danh dự" Hải Dương do đồng chí Nguyễn Năng Hách, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh chỉ huy đã nhanh chóng vào tiếp thu bộ máy đàn áp của địch như Ty Liêm phóng, Ty Cảnh sát và Nhà tù Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Năng Hách, được cử phụ trách lực lượng liêm phóng và cảnh sát tỉnh, tiến hành các biện pháp trấn áp hoạt động phá hoại cách mạng của các loại đối tượng tề, ngụy phản động, ngụy quân, ngụy quyền, chỉ điểm, gián điệp và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Để phát huy hơn nữa vai trò của chuyên chính vô sản, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL về hợp nhất lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát thành Việt Nam Công an vụ và ngày 18-4-1946 Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121/NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ và quy định thành lập lực lượng công an ở các địa phương. Ngày 24-4-1946, tại Ty Liêm phóng (nay là trụ sở Công an tỉnh - 35B Đại lộ Hồ Chí Minh - TP Hải Dương), Tỉnh ủy Hải Dương và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh quyết định thành lập Ty Công an Hải Dương. Đồng chí Phạm Văn Nghi được Tỉnh ủy và Ủy ban Cách mạng lâm thời cử làm Trưởng Ty Công an. Tổ chức của Ty Công an Hải Dương gồm 5 bộ phận: Bộ phận chính trị, bộ phận tư pháp, bộ phận hành chính, bộ phận căn cước, bộ phận trại giam. ở các huyện có từ 2 đến 3 cán bộ do 1 đồng chí Ủy ban Hành chính hoặc Huyện ủy phụ trách. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng quyết định thành lập Chi bộ Ty Công an gồm 3 đồng chí do đồng chí Phạm Văn Nghi làm Bí thư chi bộ. Từ đó, lực lượng Công an Hải Dương được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh xuống cơ sở.
Tháng 7-1946, Đội "Danh dự trừ gian" được củng cố, đã phối hợp với các lực lượng, bí mật bao vây trụ sở Quốc dân Đảng ở nhà tên Đô-ba, bắt sống 10 tên trong đó có tên Nhượng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quốc dân Đảng, thu 6 súng ngắn, 10 quả lựu đạn và toàn bộ tài liệu, báo chí, truyền đơn của chúng. Cùng thời gian này, đội còn tấn công bọn Quốc dân Đảng ở Đồn Lưu (Kinh Môn), Lai Vu (Kim Thành) và một số nơi khác, bắt 12 tên, thu 5 súng ngắn, 1 súng trường cùng nhiều phương tiện khác. Tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ở Hải Dương đã hoàn toàn tan rã.
Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, thực hiện lệnh của Ủy ban Kháng chiến tỉnh, 2 chiến sĩ công an là Mai Văn Tập, Đỗ Văn Vết được giao nhiệm vụ đã dùng mìn phá hủy bốt điện cống Ba Cửa, thị xã Hải Dương (nay là đường An Ninh), toàn thị xã chìm trong bóng đêm. Đây là tiếng nổ mở đầu cho thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Hải Dương. Lực lượng Công an Hải Dương cùng các đơn vị vệ quốc đoàn, tự vệ địa phương, đồng loạt tấn công một số vị trí của địch ở cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, Máy Chai, nhà Nông Khố, Trường Con Gái. Ngày 22-5-1947, đồng chí Trần Việt Hùng (tên thật là Trần Văn Giá) cùng Đội trừ gian đã dũng cảm táo bạo đột nhập vào nhà Nông Khố (thị xã Hải Dương) thi hành bản án đối với tên Ký Hinh - Chánh tổng Hàn Giang, một tên Việt gian nguy hiểm có nhiều tội ác với nhân dân. Đội đã tổ chức nhiều vụ diệt tề ác, đánh bốt đã gây tiếng vang lớn.
(Còn nữa)