Từ năm 1965-1972, thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ và bọntay sai phản động tăng cường các hoạt động gián điệp, thu thập tin tứctình báo, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc.
Từ năm 1965-1972, thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động tăng cường các hoạt động gián điệp, thu thập tin tức tình báo, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, trong đó có nhiều trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng đã phát triển một cách sâu rộng với nhiều nội dung phong phú về bảo mật phòng gian, phòng, chống gián điệp được phát động. Nhờ nhân dân giúp đỡ, lực lượng Công an Hải Dương đã khám phá hàng chục vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gián điệp, bắt giữ nhiều tên tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; cùng với toàn quân và toàn dân trong tỉnh kiên cường ngày đêm bám chắc địa bàn, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, các kho tàng, cầu cống, các phương tiện giao thông, các công trình phúc lợi; giải quyết tốt hậu quả ở những địa bàn bị địch bắn phá.
Ty Công an tập trung xây dựng, triển khai và diễn tập các phương án chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ nhân dân đi sơ tán trong thời kỳ chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Trong công tác phòng không sơ tán, cán bộ, chiến sĩ Công an Hải Dương đã nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bám sát địa bàn, trận địa trong mọi tình huống, bảo vệ tài sản XHCN, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tinh thần ấy được thể hiện trong trận chiến đấu quyết liệt với máy bay giặc Mỹ bảo vệ cầu Lai Vu ngày 5-11-1965, phân đội Công an nhân dân vũ trang Hải Dương đã bắn hạ tại chỗ một máy bay F4 của Mỹ. Chiến công oanh liệt này được Hội đồng Chính phủ tặng Huân chương chiến công hạng Ba, nhiều cán bộ, chiến sĩ Ty Công an được Bộ Công an và ủy ban hành chính tỉnh tặng Bằng khen và giấy khen.
Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, lực lượng Công an Hải Dương đã chi viện trên 200 cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng an ninh miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân lộc ta.
Những năm 1978 - 1979, tình hình biên giới ở các tỉnh Tây nam, phía Bắc căng thẳng, Công an tỉnh Hải Dương đã chủ động thực hiện Kế hoạch 778 của Bộ Nội vụ về tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện âm mưu hoạt động chống phá của địch. Do nắm tình hình tốt, ngày 30-3-1978, Ty Công an Hải Dương đã điều tra, phát hiện và bắt giữ tên gián điệp Trung Quốc là Khổ Hán Mẳn (tức Lương Công Nghiệp) sang Việt Nam từ năm 1977. Đã bàn giao cho Cục Chống gián điệp - Bộ Nội vụ giải quyết. Đây là một trong những chiến công điển hình của Ty Công an Hải Hưng.
Năm 1979, Ty Công an đã cử 419 cán bộ, chiến sĩ đi tăng cường cho các chiến trường, trong đó các tỉnh phía Nam 293 đồng chí, các tỉnh biên giới phía Bắc 37 đồng chí, tăng cường cho nước bạn Cam-pu-chia 89 đồng chí. Do làm tốt công tác chính trị tư tưởng nhiều đồng chí đã lập chiến công, được khen thưởng báo công về địa phương. Năm 1981, Công an tỉnh triển khai mô hình tổ chức theo Nghị định 250/CP và Quyết định số 45 của Bộ về việc triển khai lực lượng An ninh, Cảnh sát theo mô hình mới.
Từ 1980 - 1984, Công an tỉnh đã tổ chức 17 đợt tấn công truy quét các loại tội phạm theo chỉ đạo của Bộ và đã đạt được những kết quả to lớn. Đã kiểm danh, kiểm diện 108.117 lượt đối tượng hình sự, phân loại áp dụng đối sách 1.200 đối tượng; gọi kiểm điểm giáo dục 35.300 lượt đối tượng, quản chế 52, quản thúc lao động tại chỗ 2.630 đối tượng. Quần chúng cung cấp 15.336 nguồn tin giúp cho Công an điều tra khám phá 4.156 vụ với 7.529 đối tượng, triệt phá 766 ổ nhóm lưu manh, trộm, cướp, bắt giữ 354 đối tượng có lệnh truy nã; thu giữ 575 khẩu súng các loại, hơn 2.000 viên đạn, 201 quả lựu đạn và 450kg thuốc nổ...
Công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản XHCN ở Hải Dương trong thời gian này được chú trọng đúng mức. Nổi bật là công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ an toàn cho sản xuất và kinh doanh ở 2 nhà máy Nhiệt điện Phả lại và Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch. Công tác bảo vệ ở 2 nhà máy trọng điểm này luôn được Bộ Nội vụ, các ngành và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá là thành công và có kết quả tốt, tạo điều kiện ổn định sản xuất.
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp. Đặc biệt từ những năm đầu thập kỷ 90, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động; sau khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch, phản động quốc tế tiến hành âm mưu "Diễn biến hoà bình" đối với nước ta, làm cho tình hình an ninh trật tự trở thành vấn đề nóng bỏng và là nỗi lo trăn trở của nhân dân.
(Còn nữa)