Quả ngọt từ cây vải tổ

02/07/2016 05:34

Hằng năm, nhất là vào mùa thu hoạch vải, có rất nhiều khách du lịch tới thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà).



Huyện Thanh Hà có hơn 100 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP

Cây vải tổ này đã giúp nhân dân huyện Thanh Hà có những mùa quả ngọt.

Ăn quả nhớ người trồng cây

Đến nay cây vải tổ đã được hơn 200 năm tuổi và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Cây vải thiều lâu năm nhất". Người có công đưa cây vải tổ về Việt Nam là cụ Hoàng Văn Cơm, sinh sống tại làng Thuý Lâm. Thời trẻ, trong một lần dự tiệc với người nước ngoài ở một nhà hàng lớn tại TP Hải Phòng, cụ Cơm được ăn loại vải ngon. Cụ đã lấy 3 hạt vải về ươm tại vườn nhà. 3 hạt này đều nảy mầm thành cây nhưng sau đó 2 cây bị chết, chỉ còn 1 cây sống. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây vải phát triển tốt và cho quả ngọt. Vụ nào cây vải cũng sai trĩu quả. Năm 1958, Bác Hồ khen vải Thuý Lâm là giống vải quý, ăn rất ngon và khuyên nhân dân nên phát triển giống vải này. Đến thập niên 60 của thế kỷ trước, từ phong trào làm vườn hợp tác và Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, vải Thuý Lâm được nhân giống tích cực ở các xã trong huyện. Không lâu sau, vải Thuý Lâm được trồng khắp tỉnh Hải Dương. Thương hiệu vải Thanh Hà ra đời và nổi tiếng từ đó. Một số người dân ở Thanh Hà sau này sang các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh làm kinh tế đã mang theo giống vải Thanh Hà. Từ đó mới xuất hiện vải Bắc Giang, Quảng Ninh.

Đời con, cháu của cụ Cơm luôn chăm sóc cẩn thận cho cây vải tổ. Sau mỗi mùa thu hoạch, họ cắt tỉa cành, lấy đất đắp gốc cho cây. Đến nay, cây vải tổ vẫn xòe tán rộng, che mát cả một góc vườn và cho quả ngọt đều đặn hằng năm. Biết ơn người trồng cây vải tổ, huyện Thanh Hà đã đề tấm bia ngay dưới gốc cây với dòng chữ: "Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải thiều tổ" và xây dựng nhà thờ ghi nhớ công ơn người trồng cây. Mới đây, huyện Thanh Hà đã quy hoạch xây dựng một số công trình như hồ, đường đi, bãi đỗ xe, nhà chờ để phục vụ khách đến tham quan cây vải tổ. Hiện nay, một số hạng mục như hồ, đường đi đang được thi công. Anh Hoàng Văn Tuấn là chắt 5 đời của cụ Cơm cho biết: "Mỗi năm, cây vải tổ thu hút hơn 50 đoàn khách du lịch đến tham quan, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Gia đình tôi luôn trân trọng cây vải mà tổ tiên để lại. Cây vải vừa là kỷ niệm của gia đình vừa có giá trị lịch sử nên chúng tôi rất chú tâm chăm sóc để cây luôn xanh tốt".

Phát triển thương hiệu

Trải qua năm tháng, từ cây vải tổ ban đầu, người dân Thanh Hà đã mở rộng diện tích trồng vải, gặt hái nhiều mùa "quả ngọt". Đến nay, toàn huyện có gần 4.000 ha vải, sản lượng hằng năm đạt từ 25.000 - 28.000 tấn. Giai đoạn từ năm 1980-1990, cây vải được gọi là "cây vàng" ở Thanh Hà. Mỗi cây vải thời điểm đó cho thu hoạch bình quân hơn 1 tạ, chỉ cần bán số vải ở một cây này thì mua được một cây vàng. Khi ấy, nhiều người dân địa phương đã đổi đời nhờ cây vải. Không chỉ Thanh Hà, người dân ở nhiều tỉnh khác như Bắc Giang, Quảng Ninh cũng được hưởng lợi từ cây vải tổ. Cây vải đã trở thành cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang, giúp người dân phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, vải thiều Thanh Hà không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Australia... Giá bán vải thiều ở một số vụ vải gần đây đã ổn định, không quá thấp như nhiều năm trước. Vụ vải năm nay, tuy sản lượng vải thiều chỉ đạt 12.000 tấn nhưng giá bán ở mức khá. Ngày 28-6, giá vải thiều tại xã Thanh Xá ở mức 13.000-15.000 đồng/kg. Riêng vải trong vùng xuất khẩu có giá 15.000-16.000 đồng/kg, cao hơn những năm trước từ 4.000-5.000 đồng/kg. Theo UBND huyện Thanh Hà, mùa vải thiều năm nay cho doanh thu ước đạt khoảng 200 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Duyên ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy là một trong những hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3 sào vải thiều, thu được hơn 2 tấn quả, tương đương so với năm ngoái. Đầu vụ, tôi bán vải giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, tăng từ 4.000-6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Tuy ít vải nhưng giá cao nên thu nhập năm nay cao hơn năm trước".

Những mùa vải ngọt là kết tinh công sức, trí tuệ, tâm huyết của người dân Thanh Hà. Họ luôn cần cù chăm sóc vải bằng kinh nghiệm truyền thống và tích cực ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất như quy trình VietGAP. Ngoài ra, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm vào cuộc để nâng cao năng suất, giá trị, thương hiệu quả vải Thanh Hà. Nhiều lần, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi xúc tiến thương mại tại các thị trường tiêu thụ lớn để tìm "đầu ra" cho quả vải. Năm nay, cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Thanh Hà đã tham gia xúc tiến thương mại tại Lào Cai, Lạng Sơn, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tỉnh  chú trọng quảng bá hình ảnh vải thiều đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ phân bón giúp nông dân Thanh Hà sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư xây dựng khu vực nhà sơ chế vải sạch... Huyện Thanh Hà quan tâm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, hỗ trợ tiêu thụ... Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, Đảng bộ và nhân dân huyện luôn chú trọng phát triển cây vải, xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Huyện đã chỉ đạo kịp thời, định hướng nhân dân quan tâm đến chất lượng vải quả và bảo đảm diện tích trồng vải, chú ý trồng cây mới thay cho những cây già cỗi. Toàn huyện có 18 mô hình áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất với hơn 100 ha vải được cấp giấy chứng nhận. Huyện cũng chỉ đạo người dân làm theo quy trình này ở diện tích còn lại để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. "Tuy nhiên, vải thiều Thanh Hà cũng chịu ảnh hưởng bởi những thăng trầm của thị trường và tình hình thời tiết. Có những năm mất mùa, giá cả bấp bênh, người dân lao đao. Chúng tôi mong vải thiều Thanh Hà tiếp tục được tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ hiệu quả trong những năm tới. Ngoài ra, nông dân cần nâng cao chất lượng quả vải, hướng tới các thị trường trong nước và quốc tế", ông Tuấn cho biết. 

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quả ngọt từ cây vải tổ