Putin và nước Nga

24/12/2011 13:55

Người ta dự đoán ông Putin sẽ gặp khó khăn trên con đường chinh phục điện Kremlin sắp tới. Liệu đây có phải là điều sẽ xảy ra với Thủ tướng Putin hay không?



Thủ tướng Putin vẫn là chính khách được yêu thích nhất tại Nga


Sau sự kiện Đảng Nước Nga thống nhất mất đa số lập hiến trong cuộc bầu cử Duma (Hạ viện) Nga hôm 4-12 cùng một loạt các cuộc biểu tình diễn ra sau đó, báo chí phương Tây không ngớt bình luận về điều này. Và mục tiêu “tấn công” của họ là nhằm vào Thủ tướng Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin).

Cánh phóng viên phương Tây đã dùng rất nhiều từ ngữ mạnh mẽ để bình luận về kết quả bầu cử trên, gọi đó là sự phản ánh thực tế uy tín đang sụt giảm mạnh của ông Putin. Họ thậm chí còn miêu tả đây là “cú đấm chí tử”, “cú sốc mạnh” , hay “sự mất mặt” đối với vị chính khách vốn được yêu mến nhất nước Nga. Người ta còn dự đoán ông Putin sẽ gặp khó khăn trên con đường chinh phục điện Kremlin (Crem-li) sắp tới. Liệu đây có phải là điều đang thực sự xảy ra với Thủ tướng Putin hay không?

Câu trả lời là không. Các cuộc thăm dò dư luận Nga trong thời gian gần đây chính là câu trả lời chính xác nhất, đáng tin cậy nhất và khách quan nhất về uy tín của Thủ tướng Putin. Rõ ràng, theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở xứ sở Bạch Dương, ông Putin vẫn là vị chính khách được yêu mến nhất và cơ hội để ông trở lại điện Kremlin lãnh đạo nước Nga là gần như chắc chắn. Chẳng ứng cử viên nào có thể “địch” nổi với vị lãnh đạo tài ba, đa năng và hấp dẫn như ông Putin.

Putin-người hùng của nước Nga

Tại sao ông Putin lại được người dân Nga yêu quý và tin tưởng như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trở về quá khứ cách đây hơn 10 năm. Khi ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga vào năm 2000, nước Nga khi đó đang ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga chìm trong những cuộc xung đột, hàng loạt cú sốc tài chính, đồng rúp sụp đổ và cảnh nghèo đói xuất hiện khắp đất nước. Đó là cái nhìn bao quát về một nước Nga mà ông Putin tiếp quản năm 2000.

Nhiệm vụ của tân Tổng thống Putin lúc đó là phải vực dậy nước Nga mà phương Tây tin là sắp biến mất trên bản đồ thế giới. Với nhiều người, đây là nhiệm vụ bất khả thi và họ đã chờ đợi sự sụp đổ hoàn toàn của nước Nga kiêu hãnh một thời. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Putin trẻ tuổi lúc đó đã làm nên điều bất ngờ khi đưa một nước Nga hỗn loạn trở về sự ổn định. Không những ổn định, nước Nga của ông Putin còn ngày một giàu có, lớn mạnh.

Đối với đa phần người dân Nga, Tổng thống Putin chính là vị cứu tinh của họ. Nhờ hàng loạt những chính sách kinh tế đúng hướng, nền kinh tế Nga đã liên tục tăng trưởng cao dưới thời Tổng thống Putin, đời sống người dân Nga cũng ngày càng ổn định và nâng cao hơn.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Tổng thống Putin khi còn đang tại vị chính là việc ông đã vực dậy niềm tự hào dân tộc cho người dân Nga. Nếu như cách đây hơn 10 năm, các nước phương Tây coi như không còn nước Nga chứ đừng nói đến là một cường quốc Nga và ngay cả người dân Nga cũng bi quan về đất nước của họ thì sau đó chỉ vài năm, chính ông Putin đã làm thay đổi điều đó. Nga đã trở lại chính trường thế giới với vị thế của một cường quốc mạnh với tiếng nói riêng rất có trọng lượng trên trường quốc tế. Chính cựu Thủ tướng Tony Blair (Tô-ni Ble) từng thừa nhận: "Nước Nga dưới thời Putin đã mạnh lên rất nhiều, khiến thế giới phải tính đến phản ứng của họ trong mọi vấn đề, dù là vấn đề nhỏ nhất".

Với những thành tích đáng nể nói trên, không có gì là lạ khi hầu hết người dân Nga đều tin yêu, ngưỡng mộ Thủ tướng Putin. Điều đó được thể hiện qua việc họ ủng hộ nhiệt thành cho “học trò” Dmitry Medvedev (Đi-mi-tri Mét-vê-đép) lên nắm quyền năm 2008 để tiếp tục chèo lái đất nước Nga theo con đường mà ông Putin đã chọn. Và sắp tới, người dân xứ sở Bạch Dương được tin là cũng sẽ ủng hộ cho “người hùng” của họ trở lại điện Kremlin để dẫn dắt đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.

Putin đang “rơi” theo Đảng Nước Nga thống nhất?



Báo giới phương Tây từng lợi dụng các cuộc biểu tình sau bầu cử
Duma quốc gia Nga, coi đây là vũ khí tấn công Thủ tướng Putin


Tất cả các nhà phân tích, các chuyên gia đều tin, ông Putin đang cầm chắc chiến thắng trong tay trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau. Điều này cũng được phản ánh rõ ràng trong các cuộc thăm dò dư luận trong suốt thời gian qua. Một số người thắc mắc, vậy việc Đảng Nước Nga thống nhất mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử vừa rồi có liên quan gì đến ông Putin hay không.

Theo một số nhà phân tích và ngay cả bản thân Thủ tướng Putin, việc Đảng Nước Nga thống nhất mất mát lớn trong cuộc bầu cử vừa rồi là điều không thể tránh khỏi. Lý do là trong 4 năm qua, đảng này đã phải chật vật dẫn dắt nước Nga vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong quá trình này, đảng cầm quyền không thể làm vừa lòng tất cả các bên. Vì thế, việc sụt giảm uy tín là điều dễ hiểu.

Còn về câu hỏi liệu sự sụt giảm uy tín của Đảng Nước Nga thống nhất có ảnh hưởng gì tới ông Putin và kết quả tranh cử sắp tới của ông hay không thì rõ ràng sự ảnh hưởng là có. Điều này thể hiện qua việc uy tín của ông Putin đã sụt giảm đi ít nhiều. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ảnh hưởng đó sẽ không đáng kể bởi vì xưa nay, Thủ tướng Putin khá độc lập với đảng cầm quyền. Ông được coi là một chính trị gia độc lập.

Vậy tại sao phương Tây, đặc biệt là Mỹ lại làm “toáng” lên về sự sụt giảm uy tín của Đảng Nước Nga thống nhất và những cuộc biểu tình nhỏ diễn ra ở Nga. Sự thực là phương Tây không hề thích thú với viễn cảnh ông Putin quay trở lại điện Kremlin. Từ lâu, Thủ tướng Putin vốn nổi tiếng là một nhà lãnh đạo cứng rắn, có quan điểm “chống phương Tây”. Ông không tin những nước phương Tây là những nền dân chủ thật sự và vị chính khách nổi tiếng nước Nga không ngại công khai chỉ trích, đối đầu với các cường quốc. Ông cũng có quan điểm trái ngược với các cường quốc phương Tây trong nhiều vấn đề quốc tế. Chính vì thế, các nước phương Tây “sợ” phải làm việc, hợp tác với một nhà lãnh đạo “rắn” như ông Putin.

Tuy nhiên, quyền lựa chọn nhà lãnh đạo nước Nga phụ thuộc vào quyết định của người dân Nga, không phải là các cường quốc phương Tây. Người dân xứ sở Bạch Dương sẽ lựa chọn người lãnh đạo dựa vào năng lực, uy tín và những điều mà một chính khách có thể làm được cho họ, cho đất nước họ. Họ sẽ không bị “lung lay” bởi một số bài báo mang tính “định hướng” dư luận theo lợi ích của phương Tây hiện nay. Và câu trả lời rõ nhất về tình cảm của người dân Nga đối với ông Putin sẽ được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 tới đây.

VIỆT LINH

Kết quả chính thức cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI, gồm 450 ghế với nhiệm kỳ 5 năm. Theo đó, đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất (UR) giành thắng lợi với 49,54% số phiếu ủng hộ (tương đương 238 ghế); Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) với 19,16% số phiếu ủng hộ (92 ghế); Đảng Nước Nga công bằng (SR) nhận được 13,22% số phiếu (64 ghế) và Đảng Dân chủ tự do (LDPR) giành được 11,66% số phiếu (56 ghế). Ba chính đảng còn lại không giành đủ 7% số phiếu bầu và theo quy định của Luật Bầu cử Nga sẽ không có đại diện tại Hạ viện khóa mới, gồm: Đảng Yabloko (với 3,3%), Đảng Những người yêu nước Nga (0,97%) và Đảng Sự nghiệp cánh hữu (0,59%).


So với cuộc bầu cử Duma quốc gia năm 2007, số cử tri ủng hộ UR sụt giảm gần 14% (mất 77 ghế). Trong khi đó, 3 chính đảng còn lại đều giành được nhiều phiếu ủng hộ hơn. Điều này cho thấy, dù chưa có đảng phái nào ở xứ Bạch Dương có đủ khả năng "qua mặt" được UR, song không thể phủ nhận, những năm gần đây, đảng cầm quyền nước Nga đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày một gia tăng từ phe đối lập.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Putin và nước Nga