Mẫu tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng được kỳ vọng sẽ thay thế phi đội máy bay trên hạm của Nga và cạnh tranh với F-35B Mỹ.
Tiêm kích VTOL Yak-141 của Nga bay biểu diễn tại Anh năm 1992. Ảnh: AP. |
"Quá trình phát triển tiêm kích có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) nằm trong chương trình vũ trang quốc gia và được thực hiện theo chỉ đạo từ Tổng thống Vladimir Putin, tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga. Đây sẽ là tương lai của các tàu sân bay Nga", TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov hôm qua tuyên bố.
Ông Borisov xác nhận dự án đang trong giai đoạn thiết kế mô hình và các nguyên mẫu thử nghiệm, tập trung vào việc cho ra đời sản phẩm hoàn toàn mới, thay vì phát triển từ nền tảng các tiêm kích VTOL trong quá khứ như Yak-141. Phi cơ này có thể thay thế tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K trong biên chế hải quân Nga hiện nay, cũng như cạnh tranh với mẫu F-35B của Mỹ.
Đại tá hải quân Nga Konstantin Sivkov hồi cuối năm ngoái khẳng định mẫu VTOL mới có thể chiếm vị trí quan trọng đối với ngành hàng không quân sự Nga nói chung, thay vì chỉ giới hạn trong biên chế hải quân Nga.
"Vấn đề chính của tiêm kích hiện nay là đòi hỏi đường băng dài và có chất lượng tốt. Các sân bay đạt tiêu chuẩn như vậy có số lượng rất ít, dễ bị tiêu diệt trong đòn đánh phủ đầu. Những chiếc tiêm kích VTOL có thể được phân tán và cất cánh từ đường băng dã chiến, duy trì khả năng chiến đấu trong nhiều tình huống", ông Sivkov nhận định.
Tính năng VTOL cho phép máy bay cất cánh từ tàu chiến có đường băng ngắn, không trang bị máy phóng hơi nước hoặc điện từ. Thậm chí chúng có thể xuất kích từ tàu hàng với sàn boong giới hạn, tăng tính linh hoạt trong việc triển khai lực lượng.
Liên Xô từng phát triển tiêm kích VTOL mang tên Yak-141, bay thử lần đầu vào năm 1987. Nó được giới quan sát phương Tây coi là mẫu máy bay đầy hứa hẹn, nhưng việc phát triển bị hủy bỏ sau khi Liên Xô tan rã.
Cuối năm 1991, tập đoàn Lockheed chi khoảng 400 triệu USD để mua lại thiết kế Yak-141. Đây là nền tảng để hãng này ứng dụng vào việc chế tạo phiên bản F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng cho thủy quân lục chiến Mỹ.
Theo VnExpress