Nếu là người ưa mạo hiểm và ham thích khám phá, trải nghiệm những điểm du lịch mới, bạn không nên bỏ qua Pù Luông.
Đầu tháng 6 là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới với màu xanh non mỡ màng
Được mệnh danh là “thiên đường giữa đại ngàn” của Thanh Hóa nên chắc chắn nơi đây sẽ khiến du khách có những giây phút cùng nhiều kỷ niệm khó quên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa. Theo kinh nghiệm của các phượt thủ chuyên nghiệp, có 2 thời điểm tuyệt vời nhất để bạn xách ba lô lên và đến khám phá Pù Luông.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới. Những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt tạo nên vẻ đẹp vô cùng bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên không khí và thời tiết ở Pù Luông khá mát mẻ, dễ chịu.
Còn vào tháng 9 và tháng 10 là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín. Tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ khiến nơi đây mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” hút khách du lịch nhất.
Đường lên Pù Luông chủ yếu là đường đèo, đường đất đỏ khá khó đi nên phương tiện phù hợp và thuận lợi nhất là xe máy. Cảnh vật hai bên đường đến Pù Luông không có núi non trùng điệp, cũng không nhiều ruộng bậc thang như ở Mù Cang Chải mà là những cánh đồng ngô trải rộng miên man. Ngô ở đây trồng từ trên triền đồi, triền núi rồi tràn ra khắp các thung lũng như một tấm thảm khổng lồ.
Pù Luông vốn là một khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất miền Bắc. Vậy nên điều đó đồng nghĩa với việc ở đây sở hữu những cánh rừng rậm xanh rì cũng như những suối thác tuyệt đẹp, tạo thành một cảnh quan núi rừng kỳ vĩ và hoang sơ. Là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng rậm nhiệt đới quan trọng của Việt Nam nên hoạt động tham quan, du lịch đến đây hầu như mới chỉ là tự phát. Chính vì thế, Pù Luông không có khách sạn, hình thức lưu trú chủ yếu là homestay và nhà nghỉ bình dân.
Thông thường, hoạt động ăn uống cho du khách sẽ diễn ra ngay tại khu nhà bạn thuê ở. Chủ nhà sẽ chiêu đãi bạn những món đặc sản núi rừng như: gà đồi, măng chua, canh rau ngót rừng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt suối nướng, lợn rừng quay, rượu cần… Đây đều là những món ăn của người Thái nên có hương vị rất thơm ngon và đặc biệt.
Thác Mây có 9 bậc gối lên nhau tạo thành những con nước mềm mại rất đẹp
Pù Luông là khu bảo tồn lớn nhất tại miền Bắc với nhiều kiểu rừng như rừng đất thấp, núi thấp, rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa, cây bụi… Chính vì có địa hình đồi núi đa dạng nên nơi đây sẵn sàng “chiều lòng” nếu du khách thích chinh phục đỉnh Pù Luông có độ cao 1.700 m. Đứng trên đỉnh Pù Luông, bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn phong cảnh nên thơ của cánh đồng, thung lũng ở dưới chân núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng vì đã hoàn thành thử thách chinh phục thiên nhiên.
Thượng sơn Son - Bá - Mười là chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ. Son Bá Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn), là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Nơi đây được ví là “thiên đường trong thiên đường” ở Pù Luông. Tuy đường đi rất khó khăn và vất vả nhưng cảnh sắc ở đích đến sẽ không khiến bạn ân hận.
Kho Mường là một thung lũng hoang sơ thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những xóm nhà sàn nằm sát chân núi. Phía trước các ngôi nhà sàn là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Bao quanh thung lũng là những cánh rừng già nguyên sinh hoang sơ.
Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách còn được khám phá hang động với những nhũ đá kỳ ảo. Từ bản Kho Mường, bạn có thể đi theo tuyến 4 bản Mường là Bản Pốn - Thành Công - Cao Hoong - Bản Kịt để khám phá nét đặc trưng văn hóa, hoặc men theo đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi - Phố Đoàn để đến bản Quắn, nơi có những nếp nhà bình yên, giản dị.
Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Đến Pù Luông mùa lúa chín, bạn sẽ ngỡ ngàng với cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến bản Hiêu. Nơi đây có rất nhiều cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Ngoài khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bản Hiêu còn nổi tiếng với dòng suối Hiêu có thể biến cây thành đá. Do chứa một lượng đá vôi lớn nên nước suối Hiêu làm vôi hóa những bộ rễ cây nằm dưới lòng suối. Cuối tháng 6 hoặc tháng 10 cũng là thời điểm bản Hiêu đẹp nhất trong năm.
Trên đường trở về Hà Nội, bạn nên ghé thăm một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh là thác Mây tại Thạch Lâm, Thạch Thành. Thác Mây nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh gần vườn quốc gia Cúc Phương. Dòng thác này đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm tại độ cao 100m. Thác có 9 bậc gối lên nhau tạo thành những con nước mềm mại. Đường vào đây không có biển chỉ dẫn nên bạn phải sử dụng phần mềm Google maps hoặc hỏi người dân. Đến nơi, bạn hãy tranh thủ thời gian để ngụp lặn, nhào lộn, nhảy thác… Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngồi yên tận hưởng không khí trong lành hay lắng nghe tiếng động của nước xả xuống và thư giãn tâm hồn.
AN MY