24 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Lê Thanh Hải (SN 1972), kíp trưởng không lưu Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) trải qua không ít những tình huống hiểm nguy.
Trong đó có những tình huống máy bay hỏng động cơ phải quay lại sân bay, thậm chí có tình huống máy bay không thể hạ càng để hạ cánh an toàn...
Đối với ông, vụ việc máy bay không thể hạ càng năm 2016 là sự cố không thể nào quên. Khi đó, một máy bay từ Vinh (Nghệ An) bay đến sân bay Nội Bài thì bất ngờ phi công trên máy bay phát cảnh báo về ACC Hà Nội: “Máy bay không hạ được càng để hạ cánh”.
Các cảnh báo về sự cố do hệ thống máy móc đo đạc cảnh báo máy bay báo có vấn đề, áp suất lốp nghi bị vỡ. Trong khi mắt thường lại không thể quan sát thấy càng máy bay đang trong tình trạng như thế nào.
Sự việc xảy ra ở mức báo động hết sức hiểm nguy nên buộc các KSV không lưu phải nhanh chóng xác định tình hình để có những hướng dẫn cho phi công.
Nếu tình huống nghiêm trọng, máy bay không thả được càng hoặc cụm cảng bị hỏng, nhân viên sân bay Nội Bài phải rải bọt cho máy bay hạ cánh bảo đảm an toàn, chống cháy.
Ngoài ra, các KSV không lưu cũng phải dự trù tình huống khi hạ cánh, trục khủy của máy bay chọc xuống đường băng gây tóe lửa, đánh lửa ngược lên máy bay gây nguy cơ cháy nổ sẽ rất nguy hiểm.
Các KSV không lưu một mặt dẫn máy bay “bay hoãn binh” để có thời gian xử lý tình huống. Sau đó liên lạc về sân bay Vinh để xác định xem có mảnh lốp nào không rôi đánh giá tình hình cũng như lên phương án thích hợp nhất.
“Phương án rải bọt được chúng tôi tính đến nhiều nhất. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải cân nhắc rất kỹ bởi cách đó khoảng 5, 6 năm cũng xảy ra tình huống tương tự. Máy bay cảnh báo càng bị hỏng chúng tôi đưa ra phương án rải bọt.
Công việc của KSV không lưu rất căng thẳng. |
Tuy nhiên sau khi máy bay đáp xuống thì mới phát hiện bánh và càng máy bay không xảy ra vấn đề gì. Tất cả là do lỗi kỹ thuật của máy bay báo sai. Việc rải bọt sẽ cứu được máy bay an toàn nhưng làm như vậy máy bay sẽ bị hư hỏng và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế”, ông Hải nói thêm.
Trở lại với sự cố máy bay không thể hạ càng năm 2016, ông Hải cho hay, may mắn sau đó máy bay không bị hỏng càng như đã báo trước đó.
Máy bay đã hạ cánh an toàn, hàng trăm hành khách cũng như phi công đáp xuống mặt đất trước sự vui mừng của mọi người.
“Sau khi máy bay hạ cánh an toàn, chúng tôi vỗ tay, ôm nhau hò reo trong sung sướng. Vụ việc này khiến cả kip trực được Bộ trưởng thưởng nóng ngay tại chỗ. Đó là một kỉ niệm đầy hạnh phúc trong đời tôi”, kíp trưởng sinh năm 1972 kể.
Máy bay mất liên lạc
Sự cố khác xảy ra vào ngày 1/5, khi cả nước đang nghỉ lễ. Đây là những ngày làm việc căng thẳng nhất của Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội bởi dịp này số lượng chuyến bay tăng đột biến.
“Lần đó có một KSV không lưu xuất sắc làm việc nhưng không chịu nổi áp lực do mật độ bay quá đông. Sau một thời gian ngồi máy, KSV này đành cầu cứu kíp trực.
Có trường hợp máy bay mất liên lạc với KSV không lưu |
Là kíp trưởng, tôi trực tiếp ngồi vào bàn cầm micro và bắt đầu buổi trực. Lúc này, các chuyến bay dày đặc. Tôi phải tập trung cao độ, căng mắt căng tai mới đảm bảo được tính chính xác. Tuy nhiên, 5 phút sau tôi bắt đầu phát hiện sự bất thường”, ông Hải kể.
Một máy bay xuất phát từ sân bay Nội Bài có dấu hiệu bay chuệch choạc. Máy bay có dấu hiện hỏng động cơ nên xin quay lại sân bay. Trong khi đó một chiếc khác từ Lào cũng đang tiến về vùng trời sân bay Nội Bài.
Điều nguy hiểm là chiếc máy bay này đột nhiên mất liên lạc với KSV không lưu.
“Bình thường cũng có trường hợp máy bay mất liên lạc nhưng thời gian này chỉ khoảng 2, 3 phút. Tình huống mất liên lạc của chiếc máy bay này đến hơn 10 phút là rơi vào tình huống báo động.
Từ sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, an toàn hàng không được thắt chặt hơn. Máy bay mất liên lạc có thể do lỗi kỹ thuật nhưng cũng có khi là do lỗi của không tặc tấn công, khống chế máy bay” ông Hải nói.
Phát hiện tình huống này, các KSV không lưu rất căng thẳng. Ngay lập tức, ông Hải tiến hành các biện pháp liên lạc với chiếc máy bay mất kết nối kia, đồng thời dùng các biện pháp xác định xem mất liên lạc trong trường hợp này là do lỗi ở kỹ thuật máy bay hay lỗi kỹ thuật từ mặt đất.
Nếu như lỗi kỹ thuật khiến phi công không thể nghe được chỉ dẫn, các KSV không lưu sẽ giao tiếp với phi công bằng hình ảnh. Trường hợp phi công liên lạc nhưng mặt đất không nhận được tín hiệu, KSV không lưu sẽ nhờ các máy bay khác liên lạc hỗ trợ.
“Lúc này chúng tôi thực sự rất căng thẳng. Tuy nhiên sau vài phút, chiếc máy bay may mắn kết nối lại được với KSV không lưu. Sau đó các máy bay đều đáp xuống sân bay Nội Bài một cách an toàn nhất.
Tôi thở phào và tiếp tục công việc bởi hôm đó là ngày lễ, khoảng thời gian bận rộn nhất của chúng tôi”, ông Hải nhớ lại.
Theo Vietnamnet