Phượt cũng giống với du lịch theo tour nhưng lại khám phá, trải nghiệm được những nơi mà du lịch theo tour khó đến được.
Nhóm phượt của Vũ Thị Thùy và Lê Tuấn Huy tặng quà từ thiện ở xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang)
Trải nghiệmTôi còn nhớ mãi chuyến đi đầu xuân năm 2008. Vào ngày mùng 8 tháng giêng năm ấy, chúng tôi hẹn nhau ở Thái Nguyên để cùng đi xem lễ hội Lồng Tồng (Lễ hội xuống đồng) ở Ba Bể (Bắc Kạn).
Nhóm chúng tôi gồm 7 người, trước khi đi ai cũng đều xem bản đồ và tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm. Mặc dù biết trước từ TP Thái Nguyên đến hồ Ba Bể phải mất hơn 150 km, đường uốn khúc khó đi, nhưng với sự đam mê, cả nhóm đều quyết tâm. Đây là lần đầu tiên đi chơi xa nên chúng tôi chuẩn bị tư trang khá đầy đủ. Xác định là đi phượt, chúng tôi mặc đơn giản, thoải mái, đi giầy thể thao để thuận lợi cho di chuyển. Sau hơn nửa ngày đường bằng xe máy, chúng tôi dừng chân ở xã Khang Ninh, huyện Ba Bể và ở nhờ nhà dân. Tôi còn nhớ mãi bữa cơm chiều mùng 8 Tết, bác chủ nhà thết đãi chúng tôi bằng món bánh chưng gù, thịt lợn treo gác bếp từ lâu (món thịt mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi mùi vị và khó có thể ăn lại lần thứ 2). Thật không may cho chúng tôi, sáng hôm sau khi bắt đầu đi vào hồ Ba Bể thì trời đổ mưa. Thế nhưng người dân ở đây đã tập trung dưới đồng từ rất sớm để tham gia các trò chơi dân gian với những bộ trang phục mang sắc màu đặc trưng của lễ hội truyền thống. Sau đó, chúng tôi đi xuồng trên hồ Ba Bể. Bước lên chiếc xuồng nhỏ bé mà hồ thì rộng lớn mênh mông, mấy đứa con gái không khỏi lo sợ. Nhưng khi đã yên vị trên xuồng, được đi thăm xung quanh hồ, chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của hồ Ba Bể - một trong những hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Ngày hôm nữa, chúng tôi tiếp tục xem lễ hội và kết thúc chuyến đi an toàn vào tối 10 tháng giêng năm 2008. Đó có lẽ là chuyến đi để lại ấn tượng với tôi nhất, mặc dù sau này tôi cũng đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng du lịch theo tour và kém thú vị hơn.
Đam mê đi phượt, được khám phá cuộc sống và được tiếp xúc với những "phượt thủ" đầy kinh nghiệm. Họ là những người có công việc bình thường, có cuộc sống bình thường, nhưng có chung một mong muốn được khám phá những địa danh mới lạ. Nhưng điều đặc biệt là họ đi phượt để trải nghiệm, để "refresh" lại cuộc sống, vơi bớt đi áp lực công việc.
Anh Dương Hồng Giang ở số 6 đường Hồng Quang (TP Hải Dương) là một trong những người như vậy. Năm 2009, do công việc không ổn định, anh Giang và một người bạn nữa quyết định đi du lịch Hà Giang bằng xe máy. Lúc đầu anh chỉ có kế hoạch đi 3 ngày, nhưng sau đó những chán nản về công việc vẫn không hề vơi đi, anh Giang đã bàn với bạn đi tiếp vào Sài Gòn, đi miền Tây. Anh Giang cho biết: "Chúng tôi đi các điểm khắp Bắc, Trung, Nam. Mỗi nơi để lại cho tôi một cảm xúc khác nhau. Mỗi ngày, chúng tôi ngồi trên xe máy và cứ thế đi từ 300-400 km, nơi nào có cảnh đẹp thì dừng lại. Đi đường dài nên chúng tôi rất cẩn thận, ai mệt sẽ đổi lái. Điều quan trọng suốt chuyến đi là chúng tôi bảo đảm được sức khỏe". Anh Giang nhớ lại chuyến đi phượt trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang): "Khi chúng tôi leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh cũng là lúc trời tối, lọ mọ mãi không thấy đường. Bất ngờ có cành cây văng qua, một bạn bị sứt mặt, chúng tôi chỉ nghĩ do gió quá mạnh và cành cây gãy, nhưng sau đó tiếp tục có ai đó phi cành cây đến. Biết là có chuyện, chúng tôi rút xuống núi ngay. Sau đó thì không có chuyện gì nữa. Hỏi ra mới biết đó là phần đất thường dùng để chôn người của dân tộc ở đây, những người trông coi khu vực này không muốn người lạ đến làm phiền". Anh Giang chia sẻ thêm, dù đi đến đâu cũng phải tìm hiểu văn hóa, tập tục của nơi mình sẽ đến và tôn trọng văn hóa của họ. Từ đó anh Giang mê đi phượt hơn, cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi anh cùng bạn bè lại đi "chu du thiên hạ" theo cách riêng của mình. Đối với những người đi phượt, mỗi lần đi là một sự trải nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều. Họ nhận ra rằng, có những nơi còn khó khăn hơn, có những người còn khổ sở hơn mình. Từ đó họ có thêm niềm tin, vững vàng và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Chia sẻ yêu thươngGiới trẻ hiện nay có nhiều người thích đi du lịch phượt. Nhóm đi phượt chủ yếu là những người bạn thân thiết, gắn bó với nhau. Đi phượt là một hình thức du lịch bình dân nhất, nhưng thể hiện được bản lĩnh, cá tính của mỗi người. Hiện nay, nhiều người đi phượt không chỉ để giảm stress mà còn kết hợp làm từ thiện ở các vùng, miền khó khăn. Bạn Vũ Thị Thùy ở xã An Châu (TP Hải Dương) là một trong nhiều bạn nữ thích đi phượt cho biết, từ đầu năm đến nay nhóm đã tổ chức được 4 đợt từ thiện ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và một số vùng khác. Gần đây nhất là đầu tháng 11, Thùy và nhóm đi phượt ở TP Hải Dương đã vận động quyên góp được hơn 40 triệu đồng làm từ thiện ở Tả Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Những đồ nhóm mang đi gồm quần áo cũ, sách, vở, bánh, kẹo, dép lê, tuy không nhiều nhưng là chút tấm lòng muốn san sẻ cùng trẻ em vùng cao. Thùy xúc động kể lại: "Những em bé mắt tròn xoe, đen nháy, mũm mĩm, nhìn rất ngây thơ và đáng yêu, nhưng lúc bế các em lên thì nhẹ lắm. Chúng rất quý và quấn chúng tôi, hầu hết chúng chỉ mặc áo mà không có quần, những đôi chân trần trên đất bẩn hết ngày, hết tháng. Đến với vùng cao, đi sâu vào làng bản, chúng tôi được chứng kiến những cảnh nghèo cơ cực mà có lẽ ở dưới xuôi tôi chưa từng thấy. 5 mẹ con chung nhau một nồi cơm trắng, họ chan cơm với nước trắng và cứ thế ăn ngon lành... Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi, nó giúp tôi biết trân trọng những gì đang có, cởi mở hơn trong cuộc sống hiện tại".
Nhóm phượt của Vũ Thị Thùy bị mắc kẹt tại dốc đá ở xã Tà Xi Láng, huyện Văn Chấn (Yên Bái)
Với mỗi người đi phượt, ai cũng đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Bạn Lê Tuấn Huy ở thị trấn Kinh Môn cho biết, đi là để thỏa mãn niềm đam mê, trau dồi kinh nghiệm sống. Nhưng sau mỗi chuyến đi, ai cũng phải quay về với cuộc sống hiện tại, có gia đình, công việc cần làm. Vì thế, trước hết cần phải bảo đảm an toàn cho mình và những người đi cùng. Những người đi phượt thường không quan trọng về điểm đến, mà thích những cung đường, quá trình đi. Cuộc sống luôn cần những điều mới mẻ và giới trẻ nên khám phá điều đó. Thời gian tới, Huy đã lên kế hoạch leo đỉnh Phanxipang và đi Đà Nẵng.
Những người đi phượt thường đối mặt với nhiều nguy hiểm trên đường đi. Đường nhỏ, nhiều khúc cua, nhiều loại xe tham gia giao thông nên rất dễ xảy ra tai nạn nếu tay lái không vững và chưa có kinh nghiệm. Trung tuần tháng 11 vừa qua một nữ sinh ở khu 3, thị trấn Ninh Giang (Ninh Giang) tử nạn trên đường đi phượt Hà Giang. Nhắc lại sự việc đau lòng đó, đến nay dân phượt vẫn không khỏi xót xa. Để có một chuyến đi phượt an toàn và ý nghĩa, các bạn trẻ nên tìm hiểu trước những cung đường sẽ đi, tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước.
THIÊN DI