Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo không do tập thể thì dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, mất dân chủ và kết quả là hỏng việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ sông Đà ở Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (8-7-1958)
Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình phát triển của tư tưởng dân chủ mà Người là tấm gương tiêu biểu nhất, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà còn trong sinh hoạt thường ngày.
Người luôn luôn chăm lo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, bảo đảm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Đó là quan điểm xuyên suốt và là một trong những vấn đề nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh nói chung và nói riêng phương pháp dân chủ trong công tác lãnh đạo được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau: Trước hết lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Lãnh đạo là một khoa học, đồng thời cũng là một nghệ thuật. Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên. Theo Người có hai cách lãnh đạo đối lập nhau, đó là lãnh đạo theo lối dân chủ và lãnh đạo theo lối quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Sự khác nhau của hai cách lãnh đạo trên thể hiện sự nhận thức về nguyên tắc cốt lõi trong lãnh đạo là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo không do tập thể thì dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, mất dân chủ và kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ dẫn đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ và kết quả cũng là hỏng việc. Từ đó Người khẳng định tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung và Người coi đó là chế độ lãnh đạo dân chủ. Để đề phòng cách hiểu máy móc, hình thức chủ nghĩa về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, theo Người, không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người có thể giải quyết được cũng đem ra bàn mới là tập thể lãnh đạo, đó là hiểu một cách máy móc. Song, việc nhỏ nhưng quan trọng vẫn cần tập thể bàn bạc, quyết định. Hồ Chí Minh giải thích rằng một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Gộp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề được thấy rõ mọi mặt. Những việc đã bàn kỹ, quyết định theo tập thể rồi thì phải giao cho cá nhân phụ trách, tránh sự đùn đẩy, tranh công đổ lỗi cho nhau. Người nhấn mạnh: Người cầm quyền, người lãnh đạo là được dân uỷ quyền. Họ sử dụng quyền lực được uỷ thác, nhưng lại cứ tưởng là quyền lực của cá nhân, bắt người khác phải phục tùng, kể cả những quyết định sai, đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là cách làm phản dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán cách làm thiếu dân chủ, tác phong độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền là mặt đối lập của dân chủ, là kẻ thù của dân chủ, nhưng lại là căn bệnh dễ mắc phải của lãnh đạo. Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh ấy là do cán bộ xa dân, thiếu niềm tin ở quần chúng, đồng thời những cán bộ đó cũng chưa đủ phẩm chất, năng lực làm việc, thực hiện dân chủ, không sẵn sàng chịu sự kiểm tra, giám sát, phê bình trực tiếp của dân, không lắng nghe ý kiến của dân. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở bệnh quan liêu, mệnh lệnh chỉ đưa đến kết quả là hỏng việc và thực hành dân chủ rộng rãi cũng là cách chống quan liêu tích cực. Để chống quan liêu, xây dựng tác phong dân chủ, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải quán triệt và thực hiện theo đúng đường lối nhân dân với 6 điều là: “Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”.
Hồ Chí Minh coi 6 điều trên là 6 bài thuốc chống bệnh quan liêu, trong đó Người chỉ rõ vị thuốc cơ bản của mỗi bài thuốc chính là nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự phòng bệnh và biết tự chữa bệnh quan liêu của chính bản thân mình bằng “đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở” để “hỏi dân, học dân và hiểu dân”, để “học cách so sánh của nhân dân”, “so đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Cán bộ đi cơ sở phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải năng động, xông xáo nắm bắt tình hình để xây dựng chương trình công tác, chứ không phải “đóng cửa lại viết chương trình, lập kế hoạch rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”. Xây dựng tác phong lãnh đạo dân chủ để chống lối lãnh đạo quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, căn bệnh này chỉ có thể chữa chạy bằng con đường dân chủ, bằng nhân dân mới có hiệu quả.
Phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh trong lãnh đạo bao giờ cũng từ trong quần chúng ra và trở về nơi quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, vì xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu. Người luôn tin vào lực lượng, trí tuệ và cách làm đầy sáng tạo của quần chúng. Người khẳng định: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” . Người cảnh báo không học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng, đó là sự sai lầm nguy hiểm, sẽ luôn luôn thất bại. Như vậy, điểm nổi bật của cách lãnh đạo dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng, tin vào dân chúng và tuyệt đối không theo đuôi quần chúng, nhưng việc gì cũng phải từ trong quần chúng mà ra.
Để thực hành phương pháp dân chủ trong lãnh đạo, phải đồng thời đấu tranh chống mọi biểu hiện mất dân chủ trong xã hội. Thực hành dân chủ phải đi liền với chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hành dân chủ và chống quan liêu là hai mặt thống nhất của một vấn đề để phát huy quyền làm chủ của người dân.
Cán bộ là gốc của mọi công việc như Hồ Chí Minh đã khẳng định, thì sự nêu gương về đạo đức của người lãnh đạo là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Người lãnh đạo có đức thì cán bộ, nhân viên mới có đức và toàn xã hội sẽ có đức. Như Hồ Chí Minh đã nói: Nếu bản thân mình không chính mà đòi người khác phải chính là vô lý. Người luôn luôn nhắc nhở nói phải đi đôi với làm. Việc gì dù là nhỏ đã hứa với dân phải làm cho bằng được. Người dân đã tin và sẽ tin hơn khi những điều cán bộ nói được chứng thực trong thực tiễn. Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại hậu quả là mất lòng tin của dân.
Dân vận khéo là phương pháp thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và dân chủ là việc của cả dân chúng chứ không phải việc của một, hai người. Người lưu ý mọi cán bộ, đảng viên rằng: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” .
Phương pháp có vai trò rất to lớn trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đường lối đúng quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng. Nhưng đường lối đúng được triển khai bằng một phương pháp không phù hợp thì cách mạng hoặc là dẫm chân tại chỗ, hoặc thậm chí đưa đến thất bại. Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo là một mẫu mực của phương pháp cách mạng Việt Nam.