Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho biết, ngày 29.11 sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của 11 bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong khoảng 3 ngày (từ ngày 29.11- 1.12.2021).
Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm gồm 3 người, thẩm phán Ngô Tự Học ngồi ghế chủ tọa.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo kháng cáo gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường), Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng), Nông Văn Lư (nhân viên), Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple), Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng), Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc); Nguyễn Bảo Trung (trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Ngô Đức Tùng (trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn).
Trong đơn kháng cáo, 11 bị cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Các bị cáo cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bởi họ chỉ là những người làm thuê, hưởng lương cố định, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường...
Chỉ có bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đang bỏ trốn và bị truy nã) là người duy nhất có quyền tác động, quyết định đến các số liệu kế toán, tài chính, kinh doanh.
Còn theo kháng nghị của VKSND TP Hà Nội, tòa án cấp sơ thẩm đã không triệu tập người đại diện Công ty Nhật Cường tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.
VKSND TP Hà Nội đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội theo hướng:
Đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Buộc công ty này phải nộp lại khoản tiền hơn 221 tỷ đồng là tiền thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước; Không buộc 13 bị cáo phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
VKS cho rằng, không có chế định quy định về việc các bị cáo liên đới phải nộp lại khoản tiền thu lời bất chính.
Việc này phải thực hiện theo nguyên tắc: đối tượng nào thu lời bất chính hoặc thụ hưởng tiền thu lời bất chính thì đối tượng đó phải nộp lại để tịch thu sung quỹ nhà nước.
Việc tòa áp dụng Điều 47, BLHS để tuyên buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại khoản tiền hơn 221 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo liên quan trong vụ án.
Theo Vietnamnet