Sau 45 năm giải phóng, đặc biệt sau 30 năm tái lập tỉnh (năm 1989-2019), Phú Yên đã vươn lên mạnh mẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cầu Hùng Vương bắc qua dòng sông Đà Rằng kết nối trung tâm TP Tuy Hòa với vùng kinh tế trọng điểm
Những ngày cuối tháng 3 lịch sử, dọc hai bên tuyến quốc lộ 29 (trước đây là đường 5) qua các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng, huyện Tây Hòa thơm mùi lúa chín vàng, những ngôi nhà ngói mới mọc san sát. Vùng quê trù phú này từng là chiến sự ác liệt, nơi diễn ra trận đánh “cầu Cháy” góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử đường 5 của quân và dân Phú Yên trong thời kỳ chống Mỹ. Những người lính năm xưa từng cầm súng bảo vệ từng tấc đất nơi đây nay trở lại đã không khỏi bồi hồi xúc động.
Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên (ngày ấy là Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên) nhớ lại: Sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột (ngày 10.3.1975), quân địch đã quyết định rút Quân đoàn 2 từ Tây Nguyên về Phú Yên hòng trấn giữ “khúc ruột” miền Trung, chờ thời cơ tái chiếm Tây Nguyên. Địch xác định cuộc rút lui chiến lược trên đường 7 theo hướng từ tỉnh Gia Lai về Củng Sơn (Phú Yên) sau đó bắc cầu phao vượt qua sông Ba xuống đường 5, phối hợp với quân ở Phú Yên trấn giữ sân bay Đông Tác, thị xã Tuy Hòa. Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên xác định đây là thời cơ "vàng" để giải phóng tỉnh. Sau khi nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tiểu đoàn bộ binh 96 Phú Yên đã hành quân cấp tốc lên phía tây Củng Sơn phối hợp với Sư đoàn 320 tiêu diệt địch ngay khi chúng vừa rút từ Tây Nguyên xuống Phú Yên. Đồng thời, quân và dân Phú Yên hình thành thế trận chặn đứng không cho quân địch tăng viện từ đường 5, Phú Yên lên hợp với quân từ Tây Nguyên.
Cứ điểm cầu Cháy khi đó được xác định là địa bàn then chốt bởi có địa thế là gò đất cao, tầm quan sát xa, địch chọn đây là điểm chốt giữ đường 5, kìm kẹp nhân dân yêu cách mạng các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Bình. Việc đánh địch ở cầu Cháy có ý nghĩa hết sức quan trọng nên Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên hạ quyết tâm bằng mọi giá phải tiêu diệt địch ở cứ điểm này.
Ngay trong đêm 18 đến rạng sáng 19.3.1975, Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn pháo binh 189 Tỉnh đội Phú Yên, quân dân du kích xã Hòa Mỹ đã đồng loạt tập kích cứ điểm cầu Cháy. Quân ta đã diệt gọn Ban chỉ huy Tiểu đoàn 236 bảo an, 4 đại đội và trung đội của địch, làm chủ cứ điểm cầu Cháy, giải phóng một vùng đồng bằng rộng lớn tạo thế trận hậu phương vững chắc quân dân, tạo thế và lực để quân ta đánh địch làm nên chiến thắng đường 5, giải phóng Phú Yên ngày 1.4.1975.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương giúp nhiều nông dân vùng biển Phú Yên làm giàu
Sau 45 năm giải phóng, đặc biệt sau 30 năm tái lập tỉnh (năm 1989-2019), Phú Yên đã vươn lên mạnh mẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm 27,7% trong cơ cấu nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 8,94%; thu ngân sách đạt hơn 7.000 tỷ đồng, gấp 2 lần dự toán Trung ương giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 49,3triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3,85%.
Ngành công nghiệp của tỉnh từ chỗ chưa hình thành, đến nay, Phú Yên đã xây dựng, phát triển 5 khu, cụm công nghiệp, trong đó khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Điểm sáng của Phú Yên trên chặng đường phát triển sau giải phóng là đã thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh khá trong khu vực.
Phú Yên đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư vươn lên mạnh mẽ. Nếu như năm 1996, Phú Yên chỉ thu hút được 1 dự án FDI với vốn đăng ký 94 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã thu hút được 38 dự án với vốn đăng ký 1,56 tỷ USD và hơn 400 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 62.630 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Từ một địa phương được gọi là “ốc đảo” khi bị ngăn cách bởi đèo Cù Mông và đèo Cả, giờ đây, cánh cửa giao thương giữa Phú Yên với các tỉnh trong khu vực đã rộng mở, khi các hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông được đưa vào sử dụng. Tuy Hòa từ một thị xã nhỏ bé đã vươn lên trở thành đô thị loại II và đang ngày một phát triển văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch của tỉnh.
Với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, mũi Điện - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Diện mạo vùng nông thôn Phú Yên đã thay da đổi thịt, nhất là từ khi tỉnh triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Phú Yên đã có 55/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai huyện Tây Hòa, Phú Hòa được công nhận huyện nông thôn mới. Cánh đồng lúa Tuy Hòa đã đưa Phú Yên trở thành vựa lúa của miền Trung. Màu xanh của mía, mì, các loại cây công nghiệp cà phê, sầu riêng, bơ đã phủ trên những vùng đất chết vì bom đạn chiến tranh. Ở những vùng chiến sự xưa, đồng bào anh em các dân tộc Ê Đê, Ba Na... bằng chính bàn tay cần mẫn của mình đã vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, xây dựng buôn làng ngày càng ấm no.
Cùng với việc thu hút đầu tư, Phú Yên đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đưa kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá trong những năm tới. Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành nền kinh tế quan trọng, hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương.
Phú Yên hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Vùng “đất phú trời yên” với sự hấp dẫn, tiềm năng, sự năng động của chính quyền địa phương vững vàng đón ánh bình minh của sự phát triển.
PHẠM CƯỜNG - XUÂN TRIỆU -TTXVN