Tác giả bài "Điều giản dị" chia sẻ ông được đào tạo bài bản về nhạc lý nên có phong cách sáng tác khác cố nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Phú Quang ở tuổi 69
- Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm sáng tác, ông cảm thấy thế nào?
- Đến nay, tôi có gần 600 tác phẩm, nhiều giải thưởng. Tôi định hình phong cách sáng tác của mình là mộc mạc, chân thành. Điều khiến tôi hài lòng là tác phẩm của mình được khán giả trong Nam, ngoài Bắc đón nhận. Tôi hài lòng vì có nền tảng nhạc lý tốt. Tôi cũng phải học hàm thụ văn học để ca từ khúc chiết, chỉn chu. Những điều ấy giúp tôi định hình phong cách sáng tác mạch lạc, giàu cảm xúc.
- Trong âm nhạc, ai là hình mẫu để ông noi theo?
- Tôi nghe nhiều nhạc nước ngoài, đặc biệt là những ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... rồi từ đó học hỏi cái hay, cái đẹp của họ. Trong nước, tôi ngưỡng mộ một người - đó là nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông viết các tác phẩm cho dàn nhạc, các bài hát cách mạng xuất sắc. Ông chưa dạy tôi điều gì nhưng tôi xem ông như thầy giáo của mình. Tôi học một phần tính sáng tạo từ ông.
Ngày xưa, khi anh Trịnh Công Sơn còn sống, từng có người hỏi tôi trước mặt mấy anh em: "Anh có coi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là thần tượng không?". Tôi trả lời dứt khoát: "Anh nhìn lại tôi xem, tôi có mặc áo, đeo kính mắt tròn, để tóc như anh Sơn không? Chắc chắn là tôi không thần tượng anh ấy. Nếu có, tôi đã bắt chước từng tí một. Tôi cũng không coi anh ấy là thầy". Lúc đó, anh Sơn đứng dậy nói: "Không, anh Phú Quang là nhạc sĩ mà tôi kính trọng. Tôi làm sao mà dạy anh ấy được". Anh Sơn sáng tác nhờ tài năng thiên bẩm, còn tôi học hành bài bản 21 năm. Lời lẽ của tôi và anh Sơn đều cầu kỳ, trau chuốt. Tuy nhiên, ca từ của anh Sơn mang nhiều ảnh hưởng từ giáo lý nhà Phật.
- Tiêu chí lựa chọn ca sĩ đồng hành trong các dự án âm nhạc của ông là gì?
- Tôi không quan tâm đến danh xưng diva, divo hay ngôi sao hạng A. Tôi chỉ làm việc với những người có giọng hát tốt, truyền cảm và thực sự hiểu tác phẩm của mình. Tôi khó tính lắm. Không phải ai nổi tiếng hát nhạc của tôi cũng hay.
Đến nay, Minh Chuyên là một trong những giọng ca khiến tôi ưng ý. Cô ấy có sự trưởng thành, chiều sâu trong giọng hát. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao Ngọc Anh 3A, Thanh Lam. Thanh Lam là giọng nữ đẹp nhất hiện nay. Tuy nhiên, mỗi lần trình diễn nhạc Phú Quang, cô ấy tâm sự vẫn run, hồi hộp. Lam biết tôi khó tính, cô ấy nói: "Lúc biểu diễn, cháu cứ phải liếc vào trong cánh gà xem chú có nhăn mặt không". Tôi đáp: "Lam hát trọn vẹn, tử tế thì chú có gì mà nhăn nhó". Giọng Thanh Lam rất hay. Khi kiểm soát tốt, cô ấy trình diễn hoàn hảo. Ngoài các giọng nữ, Tấn Minh, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng cũng là những người hát có trách nhiệm.
- Sự cố gì trong quá trình làm việc với các ca sĩ khiến ông ghi nhớ?
- Tôi chúa ghét bị hát sai nhạc, sai lời. Trước đây, ca sĩ Ngọc Tân thường nhầm lời của tôi. Bài Hà Nội ngày trở về có câu: "Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết từng con phố". Ông ấy hát thành: "Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết một con phố". Bài Thương lắm tóc dài ơi có câu: "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi/ Một mình lênh đênh dòng đời đục trong". Ngọc Tân hát: "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi /Một đời lênh đênh, một đời đục trong". Tôi nói thẳng: "Tôi ca ngợi người phụ nữ bất hạnh. Ông hát thế khác nào ca ngợi cô gái làng chơi hoàn lương. Tôi đề nghị ông học đúng lời, nếu không thì đừng hát nữa". Ca từ của tôi vốn cầu kỳ, vì thế, album nào của tôi cũng kèm sách in lời bài hát.
Một lần khác, Thu Phương quá phiêu khi hát Nỗi nhớ mùa đông. Tôi có trách cô ấy không thể hiện đúng tinh thần bài hát. Thu Phương lúc đó tự ái, sau mới hiểu. Các nhạc sĩ khác thích ca sĩ phiêu, thể hiện cá tính, tôi coi đó là điều cấm kỵ. Tác giả là người hiểu rõ nhất đứa con tinh thần của mình.
Năm ngoái, tôi cũng vướng lùm xùm vì Ngọc Anh 3A đòi tăng cát-sê từ 5.000 USD lên 10.000 USD. Tôi phải nói thẳng với cô ấy là: "Trả cháu như thế thì chú chỉ có nước bán nhà đi làm show thôi". Ngọc Anh sau đó sợ tôi giận, lập tức xin lỗi tôi. Nhiều người không hiểu chuyện lại bênh cô ấy, cho rằng tôi sai. Thực ra tôi không có tiền tỷ để làm liveshow, nên mọi chuyện phải ở trong khuôn khổ. Từ trước đến nay, nhiều ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng... còn bớt cát-sê cho tôi. Mỹ Tâm bày tỏ biết ơn vì những ngày đầu đi hát, tôi từng lăng-xê cô ấy ở phòng trà của mình. Đàm Vĩnh Hưng cũng từng cảm tạ tôi vì để cậu ấy thu âm ca khúc Mẹ đầu tiên.
- Ông có dự định gì trong thời gian tới?
Liveshow cuối năm của tôi mang tên Trong miền ký ức, chất chứa những hồi ức về chiến tranh. Chương trình có sự tham gia của Thu Phương, Đức Tuấn, Minh Thu, Minh Chuyên, con gái Trinh Hương, con rể Bùi Công Duy. Tôi sẽ giới thiệu một số sáng tác mới, bên cạnh các ca khúc quen thuộc.
Tôi vẫn mơ ước làm một chương trình về phố Khâm Thiên - nơi bị dội bom nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, năm 1972. Tôi mong muốn làm liveshow hoành tráng với 160 diễn viên, tái hiện lịch sử hào hùng của địa danh này. Đó là nơi tôi gắn bó suốt tuổi thơ. Tuy nhiên, chương trình như vậy sẽ tiêu tốn bốn, năm tỷ đồng. Tôi hiện chưa đủ tiềm lực kinh tế.
Theo VnExpres