Phụ nữ làm theo Bác bằng những việc cụ thể

19/05/2019 08:31

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng các phong trào, hoạt động cụ thể học theo Bác.

Bỏ tiền vào hòm tiết kiệm đã trở thành việc làm thường xuyên của các cán bộ cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh

Không dập khuôn trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng các phong trào, hoạt động cụ thể học theo Bác.

Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo

Gia đình chị Lò Thị Lún ở bản Xôm là hộ khó khăn ở xã Phu Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên). Đầu năm 2019, gia đình chị Lún được Hội Phụ nữ (HPN) tỉnh Hải Dương tặng 5 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, vợ chồng chị Lún đã mua giống về chăn nuôi, vật tư phân bón làm nương rẫy. Được các cấp HPN thường xuyên động viên, hỗ trợ, gia đình chị rất phấn khởi, tích cực lao động, sản xuất để tăng nguồn thu nhập, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Gia đình chị Lún là một trong 15 hộ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của HPN tỉnh Hải Dương trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Từ năm 2018, HPN tỉnh nhận giúp đỡ chị em ở 2 xã Phu Luông và Mường Lói của huyện Điện Biên. Hội đã hỗ trợ xây dựng 4 "mái ấm tình thương", trao nhiều phần quà giá trị và hỗ trợ tiền giúp hội viên phụ nữ 2 xã phát triển kinh tế... Số kinh phí này do các cấp HPN trong tỉnh vận động các nhà hảo tâm và được trích từ Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của hội viên. Ngoài nhận giúp đỡ phụ nữ ở 2 xã vùng cao, các cấp HPN trong tỉnh còn thường xuyên duy trì các hoạt động tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ khó khăn.

Để có nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động, các cấp HPN đã tích cực vận động hội viên tiết kiệm chi tiêu từ công sở đến gia đình. Việc tiết kiệm đã trở thành nền nếp, thói quen của mỗi hội viên bằng nhiều hình thức như "Hòm tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", "Ống tiền tiết kiệm", "Hũ gạo tiết kiệm", "Sách bút tình thương", "Tiết kiệm xanh"... Trong đó, phải nói đến vai trò đi đầu, gương mẫu của các cán bộ HPN. Đã trở thành thông lệ, cứ vào mùng 5-10 hằng tháng, sau khi nhận lương, các cán bộ chuyên trách HPN tỉnh tự động bỏ tiền vào hòm tiết kiệm được đặt trang trọng ngay tại tầng 1 của trụ sở. Tùy thuộc vào mức thu nhập, mỗi cán bộ tự tay bỏ vào hòm tiết kiệm từ 20.000 - 50.000 đồng/tháng. Từ cấp tỉnh đến cơ sở, đâu đâu cũng xây dựng và duy trì hòm tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo. "Chỉ cần bớt một chút tiền chi tiêu bỏ vào hòm, một người thì nhỏ nhưng nhiều người số tiền ấy sẽ lớn. Cứ nghĩ số tiền này sẽ giúp được nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mình sẽ thấy hành động nhỏ ấy thật ý nghĩa. Vì vậy, từ nhiều năm nay, các cấp HPN từ tỉnh đến cơ sở vẫn luôn duy trì hòm tiết kiệm này", chị Lê Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo (HPN tỉnh) cho biết. Hằng năm, từ nguồn tiền tiết kiệm này, các cấp HPN đã giúp đỡ cho hàng nghìn phụ nữ nghèo vượt qua khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, hàng chục “mái ấm tình thương”, những công trình nước sạch được trao tặng cho phụ nữ đơn thân, khuyết tật không có nhà ở hoặc nhà ở dột nát… và nhiều trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng, đồ dùng học tập.

Lan tỏa những việc làm ý nghĩa

Việc học và làm theo Bác được các cấp HPN vận dụng linh hoạt, sáng tạo gắn với các phong trào thi đua như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”... Điển hình như HPN huyện Kinh Môn với mô hình "ngôi nhà 3 sạch". Đã có trên 80% số hộ hội viên đăng ký cải thiện môi trường theo khả năng tự có tại gia đình về tiêu chí “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Kết quả, các hội cơ sở đã trồng được 53 đoạn đường hoa, tổng chiều dài 25.205 m; 193đoạn đường phụ nữ tự quản về môi trường, an ninh trật tự; có 40 chi hội ra mắt được mô hình “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu về công tác vệ sinh môi trường nông thôn”...

Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong hoạt động hằng ngày của các hội viên phụ nữ. Nhiều đơn vị đã chú trọng lựa chọn khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến, thay đổi rõ nét, góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, đơn vị, của phụ nữ, trẻ em...

Hiện toàn tỉnh có 1.802 mô hình làm theo Bác được hình thành và duy trì ở các cấp HPN. Theo chị Vũ Thị Thủy, Chủ tịch HPN tỉnh, việc học tập và làm theo Bác trong các cấp HPN được thể hiện cụ thể qua xây dựng các mô hình mang tính sáng tạo và hiệu quả. Việc thực hiện các mô hình này đã tạo thành phong trào rộng khắp, hình thành thói quen tiết kiệm, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, sự chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn... của cán bộ, hội viên phụ nữ và lan tỏa rộng ra cộng đồng. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của các mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp HPN rà soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình “học tập và làm theo Bác”. Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục thực hành tiết kiệm gắn với những mô hình đã triển khai ở các địa phương, đặc biệt là phát triển rộng các mô hình “Tiết kiệm xanh”. Chỉ đạo các cấp hội tiếp tục phát huy tính sáng tạo để xây dựng các mô hình tiết kiệm mới có sức hút, thúc đẩy được ý thức tiết kiệm của chị em...

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ làm theo Bác bằng những việc cụ thể