Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú

21/03/2019 19:32

Việc nhiều học sinh ở tỉnh Bắc Ninh có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn làm nhiều nhà trường, phụ huynh trong tỉnh lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú ở trường học.


Trường Mầm non Gia Tân (Gia Lộc) có gần 300 học sinh đều ăn bán trú

Những ngày qua, thông tin về nhiều trẻ mầm non, học sinh tiểu học ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn làm nhiều nhà trường, phụ huynh trong tỉnh lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú ở trường học.

Nghi ngờ thịt lợn

Chị Trần Thị Quyên ở xã Việt Hưng (Kim Thành) có con ở độ tuổi mầm non. Con chị đang ăn bán trú tại trường nên chị cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác không khỏi lo lắng. "Khi cho con ăn bán trú ở trường tôi cũng rất lo về chất lượng các bữa ăn, lo thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu có khả năng vẫn còn tồn dư. Thỉnh thoảng lại có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở địa phương khác làm tôi cảm thấy bất an", chị Quyên cho biết.

Trường Mầm non Gia Tân (Gia Lộc) có gần 300 học sinh đều ăn bán trú tại trường. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường, từ trước tới nay, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú được nhà trường quan tâm. Nguồn cung cấp thực phẩm được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm các thủ tục và người cung cấp thực phẩm cũng là phụ huynh nên tăng thêm độ tin cậy. Gần đây, thông tin nhiều trẻ ở Bắc Ninh dương tính với ấu trùng sán lợn cộng thêm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở huyện Gia Lộc đã khiến nhiều giáo viên, phụ huynh của nhà trường lo lắng. Dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa ra khuyến cáo không nên tẩy chay thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhưng theo đề nghị của nhiều phụ huynh, khoảng 1 tuần trở lại đây, nhà trường đã hạn chế sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn cho học sinh. Thịt lợn được thay bằng các loại thực phẩm khác như: thịt bò, thịt gà, cá, tôm, trứng...

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đều kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể tại nhiều trường học trong tỉnh. Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12.2018, Thanh tra Chi cục ATVSTP tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra bếp ăn bán trú ở 28 trường học. Qua kiểm tra cho thấy một số bếp ăn bán trú vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. 11 trong tổng số 28 trường phát hiện tồn dư tinh bột trên dụng cụ ăn uống. Hệ thống thoát nước của 2 trường không có nắp đậy, bốc mùi hôi thối; khu vực chế biến có nhiều ruồi, nhặng...

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm

Bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: "Mấy năm gần đây, trong tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trong trường học. Trong đợt kiểm tra ngày 19.3 vừa qua, chúng tôi nhận thấy một số nhà trường đã thay thế thịt lợn trong thực đơn bằng các loại thực phẩm khác. Sự băn khoăn, lo lắng này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhà trường và phụ huynh cũng không nên quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, chúng ta cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, chú trọng việc ăn chín, uống sôi để ngăn ngừa ký sinh trùng có thể lây nhiễm vào cơ thể".

Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về bữa ăn bán trú tại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để giáo dục, hướng dẫn về bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý trong các bữa ăn hằng ngày phù hợp với độ tuổi, thể trạng, điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh. Các bếp ăn bán trú phải sử dụng thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Các nhà trường thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra thực ba bước và lưu mẫu thức ăn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo đảm ATVSTP cho học sinh.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú