Phụ huynh cũng phải học

06/10/2020 09:28

Cha mẹ học sinh không nên chủ quan cho rằng kiến thức học sinh tiểu học thấp hơn trình độ mình rất nhiều nên đương nhiên mình sẽ dạy được con mà không cần chuẩn bị.

Năm học mới bắt đầu được một tháng đã dấy lên nhiều than phiền của phụ huynh xung quanh việc học tập, đóng góp cho con em mình. Trong đó có những điều mới xuất hiện trong năm học này nhưng tựu trung các vấn đề khiến phụ huynh chưa thực sự hài lòng vẫn là những điều đã tồn tại nhiều năm nay. Đó là chương trình học quá nặng và các khoản thu bất hợp lý, có dấu hiệu của lạm thu. Đây là những bất cập mà ngành giáo dục và các nhà trường trong cả nước cần tiếp tục tìm các biện pháp giải quyết triệt để. Song bên cạnh việc đóng góp ý kiến và chờ đợi giải pháp từ các cơ quan chức năng, phụ huynh cũng nên có các biện pháp của chính mình để hỗ trợ việc học tập cho con em hiệu quả hơn. 

Trong những năm gần đây, chương trình học, thi cử của học sinh phổ thông có nhiều thay đổi. Khi có con chuẩn bị vào lớp 1 hoặc cuối cấp, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về những thay đổi trong chương trình học như nội dung học, cách học tập, đánh giá… để hướng dẫn con. Việc chỉ dẫn cho người khác, dù là những nội dung không phức tạp cũng luôn đòi hỏi người hướng dẫn có kỹ năng diễn đạt, phương pháp sư phạm ở những mức độ nhất định. Cha mẹ học sinh không nên chủ quan cho rằng kiến thức học sinh tiểu học thấp hơn trình độ mình rất nhiều nên đương nhiên mình sẽ dạy được con mà không cần chuẩn bị. 

Để đồng hành với con trên con đường học tập, nhất là những năm đầu tiên, phụ huynh cũng cần phải học. Không chỉ tìm hiểu nội dung chương trình có những gì thay đổi so với trước đây, cha mẹ học sinh nên học cách hướng dẫn con học tại nhà. Hiện nay có nhiều cách học của học sinh đã khác trước, ví dụ như cách đánh vần, ghép âm, tập đọc. Phụ huynh nên vượt qua rào cản là những kiến thức vốn có của mình để tiếp thu những cách mới này nhằm giúp con học được tốt nhất. Có thể nhiều người cho rằng cách học trước đây hợp lý hơn, giúp trẻ học được nhanh hơn song để thay đổi một phương pháp giáo dục trong nhà trường thì cần theo quy trình, mất nhiều thời gian. Kể cả khi ngành giáo dục thay đổi theo kiến nghị của phụ huynh thì cũng không thể xảy ra ngay lập tức. Trong khi đó, học sinh vẫn phải tiếp tục học nên để hỗ trợ các em một cách tốt nhất thì phụ huynh cần tiếp thu các kiến thức, phương pháp mới này. Ngày nay, việc liên lạc dễ dàng hơn trước rất nhiều, những gì phụ huynh còn lúng túng có thể nhờ giáo viên hướng dẫn. Mục tiêu quan trọng nhất chúng ta cần hướng tới là tạo điều kiện cho học sinh học tập hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc học về kiến thức, phương pháp sư phạm, phụ huynh cũng cần học cách ứng xử với giáo viên, nhà trường. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển giúp cho phụ huynh có thể dễ dàng đóng góp ý kiến với giáo viên, nhà trường. Song có những người lạm dụng kênh thông tin này để bày tỏ sự bức xúc khi chưa tìm hiểu kỹ càng, chưa trao đổi với nhà trường. Thậm chí có những trường hợp cố ý đưa thông tin không chính xác như một phụ huynh học sinh lớp 1 ở Hải Phòng đã dàn xếp chụp ảnh con đứng trước cổng trường đưa lên mạng xã hội với chú thích con không được vào trường do đi học sớm. Một số phụ huynh phản ứng thái quá hoặc thể hiện sự thiếu tôn trọng giáo viên trước mặt con mình. Tháng 5.2020 còn có trường hợp phụ huynh ở Long An xông vào lớp học đánh giáo viên tới mức nhập viện. Sự bức xúc của phụ huynh có thể hợp lý, có căn cứ thực tế song cách hành xử thiếu văn minh không chỉ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường mà còn khiến việc giáo dục học sinh trở nên khó khăn hơn. Và sau cùng, người chịu thiệt thòi chính là con em họ. 

Để giáo dục, kèm cặp học sinh về kiến thức và xây dựng nhân cách cho các em, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình cũng đóng vai trò to lớn. Phụ huynh có quyền bày tỏ ý kiến về những bất cập song nên lựa chọn những cách thức mang tính xây dựng, đồng thời nâng cao ý thức trau dồi, học hỏi để đồng hành cùng con trong bước đường học tập, trưởng thành. 

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh cũng phải học