Việc học trực tuyến trong dịch Covid-19 là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, việc này đã trút lên vai phụ huynh nhiều nỗi lo từ kinh tế tới chất lượng học của con. Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về vấn đề này?
Lo lắng lớp 1 học trực tuyến
Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của Hà Nội, chưa đầy một tuần nữa, con gái chị Bùi Bích Ngọc sẽ bước vào lớp 1 theo hình thức trực tuyến. Song, trong lòng phụ huynh này chứa đầy sự bất an khi con lần đầu tiếp xúc với hình thức học online, trong khi điều quan trọng nhất của lớp 1 là phải được đến trường, đến lớp để làm quen với việc thay đổi môi trường giáo dục.
"Tôi mong muốn Bộ sẽ xem xét để lùi hẳn lịch học, sang tháng 10, thậm chí là khi nào dịch bệnh được kiểm soát cũng được. Học là việc của cả đời. Nhanh chậm mấy tháng chẳng quan trọng bằng việc con được đến trường và học hành đúng nghĩa".
Khẳng định sự ưu việt của công nghệ trong thời đại số, nhưng theo phụ huynh Lê Hải Thành (Hải Dương), việc học online chỉ thực sự hiệu quả với những học sinh ở khối THPT hay sinh viên đại học, còn với trẻ em, đặc biệt là học sinh lớp 1, phương pháp học tập này tồn tại rất nhiều rủi ro.
Không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập, học trực tuyến kéo dài còn ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của các con. Theo đó, phụ huynh này đề xuất, liệu các cấp lãnh đạo có thể linh động theo hướng bắt đầu năm học muộn 1-2 tháng. Quãng thời gian học muộn sẽ được "trừ" trực tiếp vào thời gian nghỉ hè của năm học 2022 để tối đa cơ hội cho trẻ em được đến trường đi học.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho hay, học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1, với đặc thù riêng, buộc phải có sự tương tác trực tiếp trong quá trình học tập. Do đó, việc dạy học trực tuyến cần phải linh hoạt để giúp đối tượng học sinh này không bị thiệt thòi.
"Tính sẵn sàng của giáo viên, khả năng đáp ứng của nhà trường là một phần. Do đó, tôi đề nghị, chúng ta phải cực kỳ lưu ý tới độ tuổi, khả năng thích ứng của học sinh và cả sự đáp ứng của gia đình học sinh với các thiết bị học trực tuyến. Điều này luôn hướng tới phương châm: lấy chất lượng giáo dục làm hàng đầu.
Tôi vẫn đưa ra một lời khuyên, với lớp 1 và lớp 2, nếu trong điều kiện dịch bệnh bớt phức tạp, chúng ta có thể ứng dụng kho học liệu sẵn có để duy trì các em thói quen học tập, tăng cường, áp dụng một cách triệt để thời gian vàng để đưa các em đến trường, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập bằng hình thức dạy học trực tiếp.
Và nếu trong điều kiện không cho phép hoàn thành chương trình trong khung thời gian năm học như kế hoạch đã đề ra, chúng ta có thể báo cáo với Bộ GD-ĐT giảm thời gian khung năm học với lớp 1, lớp 2 tại các địa phương cụ thể" - Vụ trưởng này nhấn mạnh.
Nỗi lo kinh tế khi 3 con đều học trực tuyến
Các con chị Trang là Trần Phương Linh, Trần Phương Uyên, Trần Hoàng Bách cùng học trực tuyến vào một thời gian trong ngày
Dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng các con của chị Lê Cẩm Trang (Minh Khai, Hà Nội) vẫn phải học trực tuyến để không bỏ lỡ tiến độ chương trình học.
"Gia đình tôi có 3 cháu học lớp 4, lớp 6 và lớp 8 tất cả đều học trực tuyến và cùng một thời gian trong ngày. Để có thể hỗ trợ về thiết bị cho các con, tôi đã mua 2 laptop và 1 chiếc ipad để cho các con thuận tiện trong việc học tập vì ba bạn không thể dùng chung 1 máy được. Mặc dù các con đều có điện thoại cá nhân, nhưng nếu nhìn liên tục 4-5 tiếng đồng hồ thì mắt của các con sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều", chị Trang kể.
Không chỉ là sắm thêm thiết bị học tập, chị Trang còn quyết định kéo thêm một đường truyền mạng của FPT vào tận trong phòng cho các con để tránh việc đang học mất kết nối, đường truyền kém. Bởi theo chị Trang, gia đình hiện đang sử dụng mạng của VNPT tuy nhiên sẽ không thể tải và tốt khi một buổi cả ba con đều học trực tuyến và sử dụng.
Hai con chuẩn bị bước vào năm học mới theo hình thức trực tuyến, chị Nguyễn Thị Lan (Hải Châu, Đà Nẵng) cũng tỏ ra lo lắng khi chưa biết phải xoay xở ra sao. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi hai anh em ăn học. Dịch Covid-19 ập tới khiến công việc của chị cũng bị mất, nguồn lao động nuôi sống ba miệng ăn giờ cũng rơi vào tình cảnh khốn khó.
"Có chiếc điện thoại nhỏ, nhưng hai anh em đều phải học trực tuyến nên việc việc để có thêm thiết bị học đã là một điều xa xỉ chứ chưa nói tới có một chiếc máy tính để học", chị Lan nghẹn ngào nói.
Hoàn cảnh khấm khá hơn nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thanh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. "Hai anh em sinh đôi đều học lớp 8, nhưng lại khác lớp. Nên khi học trực tuyến gia đình đã xin phép cho con học chung 1 laptop và chung 1 lớp. Tuy nhiên, phương án này cũng không khả thi, gia đình đã phải đầu tư thêm 1 chiếc laptop", anh Thanh chia sẻ.
Hai anh em sinh đôi Đức Anh và Đức Trung sử dụng chung laptop trong buổi học
Việc học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 là một giải pháp tốt. Nó không chỉ giúp học sinh tiếp cận được kiến thức trong thời gian giãn cách xã hội để không bị gián đoạn, chậm tiến độ chương trình học. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thiết bị cho các con cũng là một nỗi lo đối với nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có hoàn cảnh, không có khả năng mua thêm thiết bị học.
Loay hoay "chạy" theo công nghệ
Không chỉ trăn trở nỗi lo thiếu thiết bị công nghệ cho con học trực tuyến, nhiều phụ huynh còn tỏ ra "luống cuống" trong việc sử dụng ứng dụng và quản lý việc học của con.
Có con chuẩn bị bước vào lớp 6, chị Nguyễn Thị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: "Từ đợt dịch đầu tiên việc học trực tuyến đều do gia sư tới kèm và hỗ trợ thiết bị cho con học. Nhưng thực hiện chỉ thị 16 nên gia sư không thể tới nhà kèm cho con được nữa, đến lúc này thì mới thấy việc học trực tuyến vô cùng là khó khăn và vất vả".
Theo chia sẻ của chị Thúy, từ năm học mới nhà trường đã chuyển học trực tuyến từ phần mềm Zoom sang Teams, mặc dù đã có sự hướng dẫn của giáo viên trước khi vào năm học nhưng mọi thứ đều như một cuộc vật lộn.
Tất cả phụ huynh đều bối rối khi cả ngày chưa thể tải được file bài tập xuống cho con. Hết cách, chị Thúy lại đành gọi điện nhờ gia sư hướng dẫn chi tiết để có thể thuận lợi cho con trong việc học.
Công việc bận rộn ở ngân hàng và vẫn phải đi làm trong thời gian giãn cách nên chị Nguyễn Hồng Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải lắp thêm 1 chiếc camera trong phòng ngủ của con để tiện theo dõi việc học trực tuyến.
"Học sinh càng lớn, thì việc quản lý học trực tuyến của các con càng vất vả. Nhiều khi đang làm thì cô giáo gọi yêu cầu phụ huynh kiểm tra con đã vào lớp chưa, phàn nàn về việc con không chú ý vào giờ học, chồng tôi đã phải xin nghỉ làm ở nhà để giám sát các giờ học trực tuyến của con".
Chồng chị Quyên phải hỗ trợ để góc máy và giám sát con trong giờ học trực tuyến
Khi UBND TP. Đà Nẵng ban hành thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng để phòng, chống dịch Covid-19, chị Phạm Thị Ánh Nguyệt đã gửi con cho ông bà nội chăm sóc và dạy học, nhưng không lúc nào chị bớt lo lắng vì việc học của con ở nhà.
Chị Nguyệt chia sẻ: "Vì là công nhân của công ty thực phẩm, phải ở lại công ty để tham gia sản xuất nên tôi đã quyết định gửi con sang nhà ông bà nội tiện chăm cháu. Cũng như bao bố mẹ có con vào lớp 1, bản thân tôi cũng vô cùng lo lắng vì không thể kèm cháu học được, nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng phải tính toán lên trước. Ông bà nội thì cũng đã có tuổi, việc tiếp xúc với công nghệ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Biết là khó nhưng hiện tại, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào tối ưu hơn".
Theo Dân trí