Thời gian gần đây, tại huyện Kinh Môn liên tục xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (ONMT) khiến người dân địa phương rất bức xúc.
Mái nhà của nhiều hộ dân ở xóm 4, thôn An Cường (xã Hiệp Sơn) phủ một lớp bụi đen do khu liên hợp sản xuất
gang thép của Công ty CP Thép Hòa Phát thải ra
Xả thải vào nhà dânKhu liên hợp sản xuất gang thép của Công ty CP Thép Hòa Phát có địa chỉ ở xã Hiệp Sơn đi vào hoạt động từ năm 2010. Từ đó đến nay, hàng chục hộ dân xóm 4, thôn An Cường sống gần khu liên hợp này phải sống trong tình cảnh ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Nhà nhiều hộ dân chỉ cách khu sản xuất gang thép 70-100 m. Sáng 22-10, chúng tôi thấy nhà cửa, sân, cây cối của người dân bị bao phủ bởi một lớp bụi đen sì. Ông Nguyễn Văn Thông (một người dân ở đây) đưa cho chúng tôi xem một túi ni-lông đựng khoảng 1 kg bụi màu đen. Khi đưa một thanh nam châm vào trong túi ni-lông thì nhiều hạt bụi dính ngay vào nam châm. Ông Thông cho rằng thành phần của bụi là bột sắt và than cốc được thải ra trong quá trình luyện thép của Công ty CP Thép Hòa Phát. “Đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2-10 vừa qua, Công ty CP Thép Hòa Phát xả bụi liên tục trong nhiều giờ khiến bầu trời mù mịt, mùi hôi kinh khủng. Do bụi dày đặc nên một số người đang đi xe máy phải xuống xe dắt bộ. Sáng hôm sau, một lớp bụi dày đọng lại khắp nơi, có người quét thu dọn lại được hàng kg. Lãnh đạo doanh nghiệp đã phải xin lỗi dân về việc này”, ông Thông kể. Người dân nơi đây muốn có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi cũng không được do tiếng ồn phát ra từ khu vực sản xuất gang thép. Ông Nguyễn Thắng Minh, một người dân sống gần khu liên hợp sản xuất gang thép cho biết: “Nhiều người thường bị đau mắt, viêm họng, đau đầu... Chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng từ năm 2010 về vấn đề ONMT ở đây nhưng đến nay chưa có cơ quan nào trả lời”. Nhiều người dân cho biết họ mong muốn được di chuyển ra nơi ở mới để tránh bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc đền bù đất ở, tài sản phải thỏa đáng thì họ mới đồng ý di dời.
Không chỉ có người dân ở xã Hiệp Sơn mà người dân ở nhiều xã, thị trấn khác cũng phải sống chung với ô nhiễm khói bụi phát tán từ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim... Bắt đầu đi qua cầu Hiệp Thượng để đi vào “khu đảo” huyện Kinh Môn, chúng tôi cảm nhận bầu không khí ngột ngạt hẳn đi. Trên những con đường chính từ đường tỉnh 388 vào 2 thị trấn Minh Tân, Phú Thứ, xã Duy Tân, mặt đường đầy bụi, xe tải hạng nặng chạy rầm rập suốt ngày. Mỗi khi có xe tải chạy qua, bụi bay mù mịt tạt vào nhà dân sống ven đường, người đi đường. Nhiều tuyến đường được phun nước nhưng chỉ giảm bụi được chốc lát. Bụi dày đặc nhất là tại các con đường gần mỏ khai thác đá. Chỉ đi khảo sát khoảng 1 giờ mà quần áo của chúng tôi đã phủ một lớp bụi trắng. Nói về tình trạng ô nhiễm không khí, đồng chí Trương Anh Ngang, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân cho biết: “Cử tri ở đây bức xúc nhất là vấn đề ONMT. Một số doanh nghiệp khai thác, chế biến đá khi hoạt động còn tắc trách”.
Một tuyến đường chạy qua khu Tử Lạc 2, thị trấn Minh Tân có bụi phủ dày đặc
Không chỉ gây ONMT không khí, tiếng ồn, nhiều doanh nghiệp còn gây ô nhiễm nước thải, chất thải rắn. Tháng 7 năm nay, thông qua việc giải quyết kiến nghị của người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định Công ty TNHH một thành viên Thương mại Trường Khánh gây ONMT nước. Kết quả phân tích các mẫu nước lấy ở con mương trong khu vực bãi chứa nguyên liệu của công ty, mương tưới, tiêu gần công ty và một hộ dân đã có nhiều chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong danh sách cơ sở gây ONMT theo Quyết định 2888/QĐ-UBND ngày 5-12-2012 của UBND tỉnh có Công ty Xi-măng Phúc Sơn gây ô nhiễm về chất thải rắn, bụi tại khu khai thác, chế biến đá xã Duy Tân; Công ty TNHH Minh Phúc ở thị trấn Minh Tân gây ô nhiễm nước thải, khí thải.
Không chấp hành chỉ đạo của chính quyềnVì lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp ở Kinh Môn đã bất chấp pháp luật, cố tình gây ONMT, coi thường sức khỏe người dân. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy, hiệu lực quản lý môi trường ở huyện Kinh Môn chưa tốt.
Khi phát hiện doanh nghiệp này có nhiều sai phạm, trong tháng 5, tháng 6 năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kinh Môn đã nhiều lần yêu cầu Công ty CP Xây dựng 1369 phải dừng ngay hoạt động sản xuất muối công nghiệp, tuyển quặng tại xã Phạm Mệnh. Tuy nhiên, ngày 22-10 vừa qua, một số người dân thôn Trại Xanh cho biết thời gian gần đây xưởng sản xuất trên vẫn hoạt động, phát tán mùi khét, thối. Chiều 22-10, ông Lê Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Tân cũng xác nhận thông tin này.
Việc doanh nghiệp xem nhẹ yêu cầu của chính quyền địa phương còn xảy ra ở Xí nghiệp Vạn Chánh (Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Duyên Hải thuộc Quân khu 3). Từ năm 2012 đến nay, UBND thị trấn Phú Thứ nhiều lần đề nghị xí nghiệp phải bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường cho người dân khi nổ mìn khai thác đá nhưng gần như doanh nghiệp chỉ “bỏ ngoài tai”. Khi làm việc với chúng tôi, một lãnh đạo UBND thị trấn Phú Thứ đã phải thốt lên rằng địa phương đã phát chán vì xí nghiệp này xem nhẹ yêu cầu của chính quyền.
Việc nhiều doanh nghiệp ở Kinh Môn cố tình gây ONMT đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý ở đây. Muốn nâng cao hiệu lực quản lý, các cấp chính quyền, các ngành liên quan phải nâng cao hiệu quả phối hợp. Việc quản lý môi trường không chỉ khi doanh nghiệp hoạt động mà phải từ khâu thẩm định, cấp phép đầu tư, xây dựng, thuê đất... Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có cơ chế để phát huy vai trò giám sát của người dân, tích cực xử lý các kiến nghị của người dân. Việc doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều lần nhưng không chịu khắc phục có một phần nguyên nhân do chế tài, biện pháp xử lý chưa nghiêm. Do vậy, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh, ngoài xử lý hành chính, cần áp dụng biện pháp mạnh hơn như đình chỉ hoạt động, truy tố trước pháp luật để răn đe những doanh nghiệp gây ONMT.
NINH TUÂN