Phóng viên phải đi tìm cho ra cái mới, cái hay

20/06/2023 14:18

Trên mỗi nẻo đường chúng tôi đi qua, ở mỗi địa chỉ chúng tôi tác nghiệp, đất và người đều để lại trong chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc.

Phóng viên Đàm Tuấn Đạt

Đã làm nghề được hơn chục năm nhưng nếu không lăn lộn với thực tiễn thì dù có giỏi suy diễn đến mấy tôi cũng không thể nghĩ ra được những tình huống khó quên đến vậy.

Tôi còn nhớ chuyến đi xuyên đêm trên chiếc xe cà tàng của tòa soạn để đến huyện Tân Lạc (Hòa Bình) trong vụ sập hầm lò cuối tháng 11.2015. Thời điểm chúng tôi xuất phát khoảng hơn 21 giờ, khi chạm đất Hòa Bình cũng ngoài 23 giờ. Trời tối đen như mực, những con đường vắng hoe ngoằn ngèo khiến cho chiếc xe cà tàng liên tục vặn mình đến nỗi chúng tôi sợ cánh cửa sẽ bung ra làm chúng tôi có thể bị văng theo. Thời khắc đó cơn buồn ngủ ập đến, chúng tôi nháy nhau kiếm chuyện tiếu lâm để xốc lại tinh thần cho đồng chí lái xe vượt qua cơn buồn ngủ, để bảo đảm an toàn. Cứ như vậy chiếc xe lao đi. Bóng đêm như một con trăn khổng lồ nuốt mồi vào cái dạ dày dài vô tận. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Lạc lúc gần 2 giờ sáng. Cả đoàn mệt nhoài, không kịp mắc màn đã lăn ra ngủ mặc cho những chú muỗi rừng rủ nhau lao vào chúng tôi hút máu không thương tiếc. Tang tảng sáng, mọi người đã í ới gọi nhau chuẩn bị lực lượng tăng cường cho công tác cứu hộ. Chúng tôi bị đánh thức để cùng hành tiến đến vị trí hầm lò bị sập. Không khí căng thẳng hiển hiện trên từng khuôn mặt, những ánh mắt dõi theo về phía cửa hầm hun hút để chờ ngóng thông tin. Cứ như vậy, một tiếng, hai tiếng, rồi một ngày, hai ngày trôi qua, những chiếc áo xanh quân phục bộ đội, công an, dân quân lầm lũi thay phiên nhau chuyển đất đá từ trong lòng hầm ra, chuyển cây, cột chống vào… đến khi nạn nhân thứ nhất được đưa ra tất cả ồ lên trong cay xè khóe mắt. Ngày thứ hai ở Tân Lạc, chúng tôi đã có bài viết gửi về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân để thông tin đến bạn đọc. Cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại chuyến tác nghiệp này chúng tôi vẫn còn nguyên xúc động và cảm thấu cái tình người ngay cả lúc nguy nan nhất.

Nhắc đến những kỷ niệm làm nghề thì không chỉ có những đau thương mà còn có những ký ức đem đến cho chúng tôi niềm tự hào khôn tả. Năm 2015, tôi cùng phóng viên Đức Việt được phân công đi đưa tin về sự kiện 70 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi có mặt tại Hà Nội trước một ngày và được sống trong không khí tưng bừng cùng người dân Thủ đô trong dịp quốc lễ. Để tiện cho tác nghiệp, chúng tôi lựa chọn nhà nghỉ nằm gần với Quảng trường Ba Đình trên phố Thụy Khuê và có một đêm không ngủ tại đây. Vì không ngủ nên chúng tôi mới biết là dường như cả thành phố không ngủ, ngay tại nhà nghỉ này còn có rất nhiều người từ phía Nam ra tham dự sự kiện không ngủ. Có một anh ở tận Cà Mau khi được hỏi anh cho biết mình chỉ là dân thường vì muốn được tham dự sự kiện lịch sử này mà tới đây. Anh bảo cho dù không trực tiếp tham dự sự kiện nhưng cũng được đắm mình trong khí thế tưng bừng, hào hùng của Thủ đô cũng vinh hạnh lắm rồi. Đêm đó, chúng tôi rời nhà nghỉ từ 3 giờ sáng, vậy mà chỉ cách vài cây số cũng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ. Đây chính là bài học chủ quan không tính tới yếu tố cấm đường để phục vụ cho buổi lễ, vì thế đến khoảng 6 giờ sáng chúng tôi mới vào được đến cửa kiểm tra an ninh của Ban Tổ chức từ hướng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vừa phấn khích, vừa hồi hộp, vừa lo lắng cứ đan xen trong cảm xúc, có lẽ tôi chưa bao giờ được tham dự sự kiện nào lại hoành tráng đến vậy. Khu vực tác nghiệp của chúng tôi là khu vực số 7 (nằm ở góc Quảng trường sát đường Hùng Vương, về phía bên phải nhìn từ lễ đài). Nhìn vào ai cũng thấy nụ cười phấn chấn, dù không biết nhau những chúng tôi đều dành cho nhau những cái bắt tay thân thiện, tìm hiểu thông tin về nhau rôm rả. Vậy mà khi buổi lễ chính thức bắt đầu thì cả khu vực tác nghiệp im phăng phắc, phần thì mải mê săn hình, phần vì không khí trang nghiêm, linh thiêng tới mức nghe thấy từng hơi thở của người bên cạnh. Hầu hết ai cũng ướt đẫm mồ hôi vì nắng Ba Đình, vì không gian đông đúc chen nhau từng nốt chân, vì cả niềm tự hào đang sục sôi trong từng cơ thể. Buổi lễ sắp kết thúc, tôi bỗng giật mình khi đồng nghiệp ở kênh Truyền hình Quốc hội đề nghị tôi cho đúp hình phỏng vấn. Có lẽ niềm tự hào sung sướng khi được tham dự sự kiện đang đầy ắp trong người nên tôi trả lời một mạch không hề do dự, không vấp váp và nhận được cái ôm thật chặt từ các đồng nghiệp trước lúc chia tay. Đây có lẽ cũng là niềm tự hào lớn nhất mà tôi được trải nghiệm trong cuộc đời làm báo của mình.

Trong chuyến công tác về với miền biên viễn Bình Liêu để làm những thước phim phóng sự về những “chàng ngự lâm” thời hiện tại. Điều bất ngờ với chúng tôi là ở chỗ cung đường đến với rừng thẳm nơi non cao chẳng kém gì những thước phim Trường Sơn của thời lửa đạn. Để đưa được cây thông lên Tiểu khu 264 (đỉnh núi cao trên 1.300 m so với mặt nước biển) trồng, những người lính Lâm trường 156 (Đoàn KT-QP 327) đã phải ngược theo khe suối. Ở những đoạn dốc đá thẳng đứng họ đã phải làm thang dây và sử dụng những chiếc ba lô để địu cây giống trên vai vượt rừng. Nếu không đồng hành cùng họ thì ngay cả chúng tôi cũng chỉ cho những câu chuyện đó là tiếu lâm; hình ảnh đó là hình ảnh phim trường mà thôi. Và điều đó đã cho chúng tôi đáp án chính xác rằng khi đã tới trồng rừng ở đây thì bữa trưa chỉ có thể là mì tôm sống vì phải giản tiện những đồ mang theo tới mức thấp nhất mới có thể vượt được quãng đường gian nguy ấy. Cũng chuyến công tác này, chúng tôi được đồng hành với các anh trên các cung đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp với tuần tra biên giới. Nơi chúng tôi tới là cột mốc 1305 (tức là nó nằm ở độ cao 1.305 m so với mặt nước biển) và nó còn có tên gọi khác là "Sống lưng khủng long" - một địa chỉ mà dân phượt rất thích thú khi đến du lịch Bình Liêu. Khi tới được đến lưng chừng dốc tưởng chừng như muốn đứt hơi không leo nổi, tôi tạm dừng nghỉ để phóng tầm mắt nhìn khung cảnh hùng vĩ đến siêu lòng. Chuyến đi này đã thu về trong ống kính của chúng tôi những hình ảnh tuyệt đẹp, những thước phim sống động và nó đọng lại trong chúng tôi niềm hy vọng về một miền đất du lịch trong tương lai không xa. Để có được những thước phim sống động ấy, phóng viên Đức Việt, Xuân Cương của tòa soạn đã phải vác trên vai chiếc máy quay nặng trên 20 kg đồng hành cùng bộ đội. Dẫu đã cố gắng hết sức cẩn trọng bởi được cảnh báo về lớp đá dưới chân trơn trượt, dù không đổ máu nhưng anh Đức Việt đã bị trượt chân và bị sút lưng…

Trên mỗi nẻo đường chúng tôi đi qua, ở mỗi địa chỉ chúng tôi tác nghiệp, đất và người đều để lại trong chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc. Thời gian đang trôi về “điểm nút” để chia tay với nghề, sắp trở về với đời thường nhưng những gì được trải nghiệm của nghiệp làm báo cho tôi nhiều điều quý giá, từ kinh nghiệm sống, đến bản lĩnh làm người, từ những điều nhỏ nhặt cho tới những điển thức bao la… Tất cả những điều đó sẽ là những ký ức không thể phai mờ, trở thành hành trang mới, vốn sống mới cho tôi đi tiếp cuộc đời này.

ĐÀM TUẤN ĐẠT 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phóng viên phải đi tìm cho ra cái mới, cái hay