Phòng trừ sâu đục quả mít

19/04/2017 09:38

Hiện tại, các giống mít đang trong thời điểm ra quả. Do vụ xuân năm nay ấm nóng nên sâu bệnh gây hại mạnh, phổ biến là sâu đục quả.



Kiểm tra và phòng trừ sâu đục quả cho mít 

Loài sâu này gây hại phổ biến trên các loài cây ăn quả như mít, ổi, táo, hồng xiêm...

Sâu đục quả trưởng thành ban ngày ẩn nấp ở những nơi rậm rạp, ban đêm đẻ trứng trên những chỗ có quả mọc dày thành chùm (khe tiếp giáp giữa các quả). Khi cây mít bị sâu đục quả tấn công, sâu non nở ra đục quả chui vào bên trong chỗ gần cuống quả, chúng ăn thịt quả rồi đùn phân màu nâu ra ngoài (nông dân gọi là đùn mùn), nhựa quả cũng bị theo đường vết đục chảy ra tạo thành những cục dẻo như gôm. Sâu non có màu hồng hoặc tím, đầu nhỏ màu nâu đen.

Nếu mít bị sâu hại tấn công khi quả còn non dễ bị rụng quả. Nếu sâu tấn công khi quả đã lớn, tại vết đục sẽ dễ đọng nước làm nấm và vi khuẩn xâm nhập gây thối nhũn từng mảng quả. Nếu nhiều đường đục trên quả sẽ làm quả bị thối hỏng trước khi chín.

Để phòng trị sâu đục quả, nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sau:

- Tỉa bỏ cành già, cành sâu bệnh làm vườn cây thông thoáng sẽ khiến sâu trưởng thành không có chỗ trú ẩn và sinh sản.

- Khi mít ra quả cần tỉa bỏ bớt những quả mọc quá dày. Nếu hai quả quá sít nhau thì nên chêm bìa cứng hoặc que vào giữa để chúng tách nhau ra.

- Thời điểm mít bắt đầu ra quả (hình thành tượng) người trồng nên sử dụng một số loại thuốc trừ sâu đục quả như: Decis, Katrate, Newfatoc, Sư phụ… phun 2 lần cách nhau 1 tuần (nếu mật độ bướm nhiều) để diệt trứng và sâu non mới nở.

- Tiếp đó dùng nilon, giấy xi măng hoặc bao chuyên dùng bọc từng quả để hạn chế sâu hại.

- Trường hợp đã phát hiện mít quả có đường đục và phân sâu đùn ra ngoài thì cần làm vệ sinh chỗ vết đục cho sạch nhựa và phân sâu. Sử dụng một trong số loại thuốc hóa học có khả năng thấm sâu và xông hơi như Decis, Cyperin, Sumicidin, Vibaba, Lorsban, Triceny… phun lần 2 kết hợp với thuốc phòng bệnh nấm, vi khuẩn cách lần trước 4-5 ngày, sau đó bao phủ quả để quả không bị mưa đọng vào vết hở làm thối quả.

* Lưu ý: Để hạn chế mít bị sâu đục quả hay nứt quả khi gặp mưa, đồng thời làm quả khi chín được ngon ngọt hơn, người trồng cần bổ sung phân bón nuôi quả cho cây mít thời kỳ quả đang phát triển đến chín bằng các loại phân tổng hợp giàu kali và canxi; kết hợp sử dụng phân bón siêu vi lượng qua lá ở các lần phun thuốc trừ sâu bệnh.

  KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng trừ sâu đục quả mít