Phòng trừ sâu cuốn lá và rầy hại lúa cuối vụ

15/05/2019 15:16

Để giảm thiểu thiệt hại do các loài sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, rầy nâu... gây ra, nông dân cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật.


 Hướng dẫn nông dân nhận biết sâu cuốn lá nhỏ

Vụ xuân 2019 do thời tiết ấm nóng ngay từ đầu vụ, từ đầu tháng 3 đến nay lại có nắng mưa xen kẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các loài sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, rầy nâu phát sinh gây hại mạnh lúa xuân từ giai đoạn đòng non đến chắc xanh, đỏ đuôi. Để giảm thiểu thiệt hại do các loài sâu hại trên gây ra, nông dân cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

- Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ: Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, điều tra bướm sâu cuốn lá. Nếu thấy chúng phát sinh đúng vào lúc lúa có lá đòng vươn lên, cần theo dõi mât độ bướm vũ hóa, tính ngày trứng nở (sau khi tắt bướm khoảng 6-8 ngày) và xác định ngưỡng gây hại kinh tế (20 con/m2) mà dùng thuốc phun trừ sao cho hiệu quả. Lưu ý, loài sâu cuốn lá nhỏ thường chỉ tập trung vào cuốn những ruộng có lá đòng non, không mấy khi cuốn lá lúa đứng cái (chưa có lá đòng) hoặc lá đòng đã cứng, già rồi thì sâu cũng không cuốn được nữa. Vì vậy, các chân ruộng gieo cấy khác trà cần tiến hành phun thuốc khác thời điểm, không nên cùng phun một lúc.

Thực tế điều tra cho thấy, trà lúa cấy sớm có lá đòng trước thì ở đó bướm vũ hóa sớm và đẻ trứng nở thành sâu non hại lá đòng. Các trà lúa đứng cái bướm phát sinh muộn hơn cả tuần lễ. Vì thế, muốn trừ sâu đúng thời điểm nông dân cần thăm đồng điều tra thường xuyên, nhất là giai đoạn lúa từ đứng cái đến có lá đòng để biết được bướm rộ lúc nào, có ở chân ruộng nào mà trừ hiệu quả.

-  Phòng trừ rầy lưng trắng và rầy nâu hại lúa cuối vụ: Hiện tại trên các chân ruộng trà xuân sớm lúa đã trỗ thoát, nhiều diện tích lúa nếp, lúa chất lượng đã bị nhiễm rầy lưng trắng theo diện cục bộ. Để giảm thiểu tác hại của rầy gây ra trên lúa, nhất là giai đoạn mẫn cảm này, nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện rầy hại sớm nhất, điều tra từ những chân ruộng cấy giống nhiễm rầy (nếp các loại, Bắc thơm số 7…), chân ruộng trũng có nước các vụ trước thường hay bị rầy gây hại… Điều tra từ giữa ruộng ra, vạch gốc lúa để nhận biết rầy hại dưới gốc. Khi phát hiện có rầy trong ruộng mà đại bộ phận là rầy non mới nở thì căn cứ vào mật độ, tính ngưỡng (30 con/khóm) phun thuốc đặc trị rầy ngay sau khi phát hiện. Nếu trong ruộng phát hiện là một số rầy chửa thì cần lùi lại khoảng 1 tuần đợi trứng nở thành rầy cám rồi tiến hành phun thuốc sẽ cho hiệu lực cao nhất.

   KS. TRẦN THỊ LIÊN, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Nam Sách

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng trừ sâu cuốn lá và rầy hại lúa cuối vụ