Hiện nay, các trà lúa chiêm xuân đều sinh trưởng và phát triển tốt. Trà xuân sớm đang đẻ nhánh rộ, trà xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ.
Thời tiết đang rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại.
Triệu chứng và tác hại:
Bệnh đạo ôn lá: Bệnh thường xuất hiện gây hại trên lá ở thời kỳ đẻ nhánh. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ hình giọt dầu màu xanh thẫm, sau vết có dạng hình thoi, tâm vết bệnh màu nâu sẫm, rồi màu xám trắng, trắng. Trên giống nhiễm các vết bệnh thường liên kết lại làm lá bị cháy khô, lùn, lụi.
- Đạo ôn cổ bông: Bệnh thường gây hại trên thân, cổ bông và tai lá đòng. Vết bệnh ban đầu cũng có màu xanh thẫm sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn, cản trở đến việc vận chuyển các chất dinh dưỡng làm cho thân dễ gãy, hạt bị lép, lửng.
Ở giai đoạn đẻ nhánh bệnh sẽ làm cho lá lúa bị cháy, cây lúa bị lùn, lụi hoặc ở giai đoạn trỗ bông phơi màu sẽ làm hạt thóc bị lép, lửng gây hiện tượng bông bạc, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, chất lượng.
Nguyên nhân gây bệnh và quy luật phát sinh:
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae Cav: Bệnh liên quan mật thiết đến điều kiện thời tiết, giống, chế độ chăm sóc và thời gian sinh trưởng.
- Thời tiết: Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển là từ 16-28 độ C, độ ẩm trên 80% (trời âm u, mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài là điều kiện thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh và phát triển).
- Giống: Các giống Q5, BC15, nếp, BT7, QR1, P6... là những giống nhiễm với bệnh đạo ôn.
- Chế độ chăm sóc: Ruộng xanh tốt, cấy dày, chăm bón không cân đối, bón nhiều đạm, bón đạm lai rai thường bị bệnh đạo ôn nặng.
- Khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thời tiết âm u có mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài, thường phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông.
Bệnh thường được lan truyền bằng bào tử. Bào tử phát tán nhờ gió, nước.
Phòng trừ bệnh:
- Chăm bón cân đối, bón sớm, bón tập trung, tăng cường lân và kali, hạn chế bón đạm. Điều tiết nước hợp lý từ 2-5 cm.
- Khi lúa trỗ bông phơi màu gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh (âm u, mưa nhỏ, mưa phùn) phải tiến hành phòng trừ. Thời gian phun thích hợp khi lúa nứt đòng (báo trỗ), trên diện tích lúa đã bị bệnh đạo ôn lá, phải tiến hành phun kép. Phun lần 2 trước khi lúa trỗ thoát (lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày).
- Khi ruộng lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, phải ngừng bón đạm, không được phun phân qua lá và các chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để trừ như Bump 650WP, Fu-Army 40EC, Bankan 600WP, Colraf 75 WP, Hibim 31WP, Katana 20SC...
Chú ý:
- Khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn và thực hiện theo hướng dẫn, theo nguyên tắc 4 đúng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
- Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện, nên phun thuốc vào sáng sớm và chiều mát, tránh phun thuốc khi lúa đang trỗ bông phơi màu.
- Sau phun thuốc gặp mưa rào, mưa lớn cần phải tiến hành phun lại.
- Bảo đảm thời gian cách ly trước thu hoạch theo khuyến cáo trên bao bì.
(Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)