Phòng trừ bệnh bạc lá lúa

18/08/2011 12:51

Theo dõi tình hình sâu bệnh, điều tiết để cây sinh trưởng nhanh, chăm sóc cân đối về dinh dưỡng, hợp lý về chế độ nước cho ruộng lúa.

Thời kỳ từ khi lúa mùa đẻ nhánh đến trổ bông (từ tháng 8 đến đầu tháng 10) ở nước ta thường có mưa giông, bão lốc... dễ khiến cho bộ lá lúa bị xây sát hoặc giập nát, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây nhiễm bệnh bạc lá cho lúa mùa nặng hơn.

Bệnh bạc lá vi khuẩn phát sinh ngay từ ruộng mạ trên phiến lá, nhưng biểu hiện bệnh rõ nhất là ở lá lúa khi cây lúa đẻ nhánh và phát triển đến giai đoạn lúa trổ bông, hạt chín sữa. Phiến lá bị khô trắng từng vệt từ chót lá hoặc từ mép lá. Khi bệnh nặng, phiến lá bị khô trắng tới 60-70% diện tích hoặc toàn bộ. Các giọt dịch màu vàng hình cầu li ti thường xuất hiện ở mặt vết bệnh vào buổi sáng. Nếu bệnh bùng phát thành dịch, nhất là trên cây lúa làm đòng, lá đòng bị bệnh thì cây lúa dễ bị nghẹn đòng và năng suất giảm tới 55-70%, bông bạc, hạt lép nhiều.

Loại vi khuẩn Xanthomonas oryzae xâm nhiễm vào lá lúa theo thuỷ khổng, khí khổng và nhất là qua vết thương trên lá lúa. Nguồn cư trú của vi khuẩn bạc lá là qua hạt giống, cỏ dại thuộc họ hoà thảo như cỏ lồng vực, cỏ gừng, lúa chét, lúa tự mọc, đất và nước lưu tồn những vi khuẩn này, từ đó lây lan vào ruộng lúa.

Nhiệt độ 25-30 độ C và độ ẩm 95-100% là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển mạnh và có nguy cơ thành dịch. Ở những chân ruộng trũng, chua, bị che rợp, bón đạm muộn, bón nhiều đạm, mất cân đối với lân và kali, hoặc các diện tích bón đạm rải nhiều đợt... cũng làm cho lúa bị bệnh bạc lá vi khuẩn nặng.

Những ruộng có mực nước vừa phải khoảng 5-6 cm, được giữ ổn định cũng hạn chế được bệnh so với ruộng ngập sâu hoặc khô hạn thất thường. Những giống lúa có tính chống chịu bệnh khá, đẻ nhánh gọn, tập trung, lá đứng, bề ngang hẹp, giai đoạn làm đòng trổ bông ngắn... tỏ ra chịu được bệnh. Riêng các giống Trung Quốc thường nhiễm bệnh nặng hơn.
Cách phòng trừ hiệu quả

Từ giữa tháng 8 bệnh đã xuất hiện. Khi điều kiện thuận lợi, mưa nhiều bệnh sẽ phát triển nhanh. Bệnh bạc lá vi khuẩn rất khó trị nếu để bị nặng. Vì vậy khâu vệ sinh đồng ruộng cần được chú trọng để hạn chế tối đa nguồn bệnh ở rơm rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa tự mọc...
Có thể xử lý hạt giống bằng nước ấm 54 độ C trong 10 phút, gieo mạ vào chân ruộng cao, không bị ngập nước.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh, điều tiết để cây sinh trưởng nhanh, chăm sóc cân đối về dinh dưỡng, hợp lý về chế độ nước cho ruộng lúa.

Bón đạm gọn, không bón muộn và kéo dài, chú ý kết hợp với phân chuồng, lân, kali, tro bếp. Khi bệnh chớm phát sinh, giữ nước ruộng 5-10cm, nếu lúa đã bắt đầu làm đòng có thể tháo cạn nước vài ba ngày và nhất thiết ngừng bón đạm.

Khi bệnh xuất hiện với tỷ lệ 3-5% số lá bị bệnh, phải phun thuốc hoá học. Sử dụng thuốc Tilt super 300ND pha 1% phun trước khi lúa trổ đòng một tuần và sau khi lúa phơi màu xong 10 ngày, hoặc dùng Starner 20WP, pha 0,1-0,15% phun khi bệnh phát sinh và gia tăng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh xong. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc Xanthomix 20WP, Sasa 20WP, Batocide 12WP, 22WP... Nếu bệnh nặng phải phun thuốc lặp lại lần 2, cách nhau 5-7 ngày và nên đổi loại thuốc khác.

(Theo khoahocchonhanong.com.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng trừ bệnh bạc lá lúa