Bệnh thối thân cây ngô do vi khuẩn Erwinia carotovora f. zeae Sabet gây ra. Khi bệnh xuất hiện ở gốc sẽ làm cây bị gãy ngang khi có cơn gió nhẹ, nếu xuất hiện ở phần đọt sẽ làm đọt thối nhũn.
Bệnh thối thân cây ngô do vi khuẩn Erwinia carotovora f. zeae Sabet gây ra. Vi khuẩn này có hình que, không tạo bào tử. Chúng có khả năng xâm nhập qua vết thương, có thể lưu dẫn lên đọt hoặc xuống rễ, có thể sống sót ở xác cây bệnh trong thời gian khá dài (khoảng 6-7 tháng) ở nhiệt độ 10-30 độ C. Vi khuẩn không lưu tồn trong hoặc trên hạt.
Ngoài cây ngô thì vi khuẩn còn có nhiều các cây ký chủ khác thuộc họ hòa thảo. Mầm bệnh lây lan mạnh từ ruộng này sang ruộng khác qua môi trường nước. Khi cây bị bệnh có triệu chứng như những lá dưới trở nên vàng và chết sớm, thân và bẹ lá như bị dập nhũn nước. Phần mô cây bị bệnh chuyển dần sang màu nâu và bị thối mềm, chỉ còn lại những sợi mạch. Trong trường hợp bệnh nặng thì rễ và trái cũng bị vi khuẩn xâm nhập.
Khi bệnh xuất hiện ở gốc cây sẽ làm cây bị gãy ngang khi có cơn gió nhẹ, nếu xuất hiện ở phần đọt sẽ làm đọt thối nhũn, có mùi hôi khó chịu như thối nhũn trên cây bắp cải.
Phòng và trị bệnh:
- Khi khu ruộng bị bệnh nặng thì chuyển đổi sang trồng các cây khác mà vi khuẩn này không tấn công được như các loại rau, lúa nước.
- Tiêu hủy tàn dư ở ruộng bắp vụ trước. Sau khi thu hoạch, chặt gom và phơi khô thân lá ngô trên ruộng và đốt cho chết mầm bệnh.
- Sử dụng những giống ngô có khả năng chống chịu với bệnh. Thăm đồng thường xuyên, khi thấy bệnh phát hiện sớm thì nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh để ngăn lây lan sang những cây khác.
Phun thuốc ngừa bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh như Kasumin Starner, Streptomycin, hoặc dùng Bordeaux, COC. Liều lượng theo khuyến cáo và cần phun với lượng nước nhiều cho ướt hết từ ngọn xuống gốc.
(Nguồn: NNVN)