Phòng thu âm - địa chỉ của người yêu nhạc

20/06/2017 09:09

Các phòng thu âm nhạc trở thành địa chỉ được nhiều đơn vị, ca sĩ, người yêu âm nhạc chọn lựa để thực hiện các chương trình thu âm phục vụ công việc...



Phòng thu Sông Thương Audio là địa chỉ quen thuộc của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, người yêu nhạc của Hải Dương


Đáp ứng nhu cầu

Tại TP Hải Dương, người có nhu cầu thu âm có thể tìm đến một số địa chỉ như phòng thu Sông Thương Audio, Quốc Tráng, Trung Studio… Hầu hết các phòng thu do các nghệ sĩ hoặc người làm công việc liên quan đến âm nhạc đầu tư.

Nghệ sĩ Sông Thương làm việc tại Nhà hát Chèo Hải Dương đồng thời là chủ phòng thu Sông Thương Audio cho biết phòng thu âm của anh ra đời cách đây 8 năm để phục vụ cho các chương trình của Nhà hát Chèo và các chương trình truyền hình, phát thanh của tỉnh... Ngoài ra, phòng thu còn đáp ứng nhu cầu thu âm của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, người yêu nhạc muốn ghi lại giọng hát của mình, hoặc những người hát phong trào nhân các dịp kỷ niệm... Mức giá thu âm mỗi bài hát dao động từ 200.000 đồng/bài đơn ca, 300.000 đồng trở lên/bài tốp ca...

Không chỉ tại TP Hải Dương mà tại nhiều huyện, thị xã cũng đã bắt đầu xuất hiện các phòng thu âm nhạc. Anh Nguyễn Xuân Trường ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã lắp đặt phòng thu âm với chi phí gần 100 triệu đồng. Anh cho biết: “Do đam mê âm nhạc nên cách đây vài tháng tôi đã lắp đặt phòng thu để phục vụ bản thân và những người có nhu cầu thu âm trong huyện. Hiện tại, tôi vẫn đang học hỏi thêm về cách chỉnh âm, mix nhạc để phục vụ khách hàng tốt nhất”. Cũng như anh Trường, anh Nguyễn Anh Truân ở xã Hồng Thái (Ninh Giang) cũng vừa hoàn thành phòng thu âm với các thiết bị như máy tính, loa, sound card (thiết bị dùng để truyền tải âm thanh vào máy tính), micro... với chi phí vài chục triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 phòng thu âm nhạc. Trong đó hai phòng thu có quy mô lớn nhất là Sông Thương Audio và Quốc Tráng. Hai phòng thu này có thể thu âm cùng lúc cho từ 5 - 10 người, các trang thiết bị tương đối hiện đại với kinh phí đầu tư mỗi phòng khoảng 500 triệu đồng. Đây cũng là địa chỉ thu âm của hầu hết các chương trình phát thanh - truyền hình lớn ở tỉnh ta. Các phòng thu còn lại chủ yếu quy mô nhỏ, chỉ có thể thu âm cho 1 - 5 người, chi phí đầu tư từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng.

Chỉnh sửa giọng hát

"Trước khi tham gia biểu diễn tại các dịp kỷ niệm quan trọng ở cơ quan, tôi và một số anh em trong cơ quan thường đến các phòng thu thu âm trước các bài hát mình thể hiện để biểu diễn được suôn sẻ."


Khi thu âm, ca sĩ, nghệ sĩ, khách hàng sẽ vào phòng thu, nghe tai nghe để hát theo đúng nhạc. Từ chất giọng “thô” của người hát, người thu âm sẽ dùng các máy móc hoặc phần mềm can thiệp để trau chuốt, xử lý lại những đoạn chênh, phô, sau đó mix (ghép) nhạc vào cho chuẩn. Do có sự can thiệp kỹ thuật nên giọng hát sau khi chỉnh sửa trở nên mượt mà, hòa quyện ăn khớp với âm nhạc. Vì vậy không chỉ các ca sĩ chuyên nghiệp mà nhiều khách hàng không chuyên cũng tìm đến dịch vụ này. Anh Phan Nhật Cường ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Trước khi tham gia biểu diễn tại các dịp kỷ niệm quan trọng ở cơ quan, tôi và một số anh em trong cơ quan thường đến các phòng thu thu âm trước các bài hát mình thể hiện để biểu diễn được suôn sẻ”.

Anh Đỗ Quốc Tráng, chủ phòng thu Quốc Tráng ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng là cán bộ của Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh cho biết để có một sản phẩm thu âm chuyên nghiệp, trước hết người thu âm phải được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, hiểu biết tính năng các loại nhạc cụ và giọng hát, sau đó phải học một lớp đào tạo chuyên ngành về thu âm. Ngay cả khi đã học một cách chuyên nghiệp như vậy cũng chưa thể trở thành một người thu âm chính (còn gọi là đạo diễn âm thanh) mà người học phải thực tập nhiều ở phòng thu với vai trò là người quan sát, rồi phụ thu trong một thời gian. Như vậy, ở một góc độ nào đó thì người thu âm còn đòi hỏi trình độ cao hơn cả một nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp. Đây là quy trình được áp dụng tại các nước phát triển về âm nhạc trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam quy trình này ít được áp dụng.

Tại Hải Dương hiện nay, nhiều chủ các phòng thu tự học thu âm, mix nhạc, học hỏi người đi trước. Anh Phạm Thanh Trung vốn là một nghệ sĩ chuyên hát dân ca, quan họ. Do thường xuyên phải lên Hà Nội thu âm, đi lại vất vả, anh đã nảy ra ý định mở một phòng thu của riêng mình. Sau hai năm tìm tòi, học mix nhạc, anh đã mở phòng thu Trung Studio ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Anh chia sẻ: “Không phải ai cũng có thể thu âm, mix nhạc. Người thu âm phải đứng ngoài phòng thu, chỉnh giọng cho người hát trong phòng thật chuẩn. Người hát tốt có khi chỉ 10-15 phút thu xong 1 bài, nhưng người hát không tốt thì phải hát đi hát lại, thu cả tiếng mới xong". Lấy được âm rồi còn phải chỉnh âm cho mượt, cho trong. Vì vậy ít phòng thu dám nhận những người giọng không hay vì khi chỉnh sẽ rất vất vả. Nhiều phòng thu kỹ thuật kém cũng không nhận thu âm tốp ca bởi nếu không biết chỉnh thì bài hát sẽ giống như chợ vỡ, mỗi giọng đi một hướng khác nhau...

Sự phát triển của hệ thống phòng thu tại Hải Dương đã tạo thêm một sân chơi âm nhạc mới, chuyên nghiệp hơn cho các ca sĩ, nghệ sĩ và người yêu âm nhạc trên địa bàn tỉnh.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng thu âm - địa chỉ của người yêu nhạc