Phòng ngừa xã hội để ngăn chặn tội phạm

27/04/2013 16:03

Qua các vụ án cho thấy, nếu không được giải quyết kịp thời thì từ những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể dẫn đến các vụ việc nghiêm trọng...



Mâu thuẫn không được tháo gỡ kịp thời khiến nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra.
 Trong ảnh: Do nóng giận, Vũ Tiến Đại (ở Cẩm Đông, Cẩm Giàng) đã đánh chết vợ


Theo Công an tỉnh, qua phân loại các vụ phạm pháp hình sự (chủ yếu là giết người, cố ý gây thương tích...) xảy ra, thì có tới hơn 90% bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội. Điều đáng nói là, mặc dù nguyên nhân đôi khi chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất giản đơn, song tính chất, mức độ các vụ án ngày càng nghiêm trọng, hành vi hết sức dã man, tàn bạo.

Cách đây chưa lâu, vụ cô giáo Vũ Thị Liên (sinh năm 1964, ở thôn 2, xã Văn Giang, Ninh Giang) bị Nguyễn Thanh Thùy (sinh năm 1965, ở thôn Văn Diệm, xã Hưng Thái, cùng huyện Ninh Giang) sát hại gây xôn xao dư luận ở địa phương. Giữa Thùy và nạn nhân đã quen biết khá lâu, mâu thuẫn âm ỉ trong một thời gian dài, vợ hung thủ và nhiều người thân của nạn nhân cũng đã nghe phong thanh về việc này, song không tìm hiểu ngọn ngành. Chính quyền, các đoàn thể địa phương, cơ quan nạn nhân công tác cũng không vào cuộc để tìm hiểu và tìm hướng giải quyết. Chỉ đến khi vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, người chết, kẻ vào tù thì mọi người mới vỡ lẽ, song đã quá muộn.

Cách đây hơn một năm, vụ án đau lòng bố giết con trai xảy ra trên địa bàn huyện Kinh Môn cũng là một trong những ví dụ điển hình nhất cho việc công tác phòng ngừa xã hội bị các gia đình, địa phương không quan tâm. Trong vụ án này, Đào Văn Lệ (sinh năm 1968, ở Duyên Linh, Duy Tân) và con trai là Đào Văn Tiến (sinh năm 1991) có mối bất hòa kéo dài. Gia đình, hàng xóm, bạn bè của nạn nhân đều biết việc hai bố con đã từng xảy ra xô xát, cãi cọ. Khi vụ án xảy ra, nhiều người đã làm chứng việc này trước cơ quan điều tra. Tuy nhiên, điều lạ là, trước án mạng, không có bất kỳ một cuộc hòa giải nào. Mâu thuẫn âm ỉ dẫn đến đỉnh điểm ngày 12-5-2012, Lệ dùng dao chém vào cổ khiến con trai chết tại chỗ.

Thực tế những năm qua ở tỉnh ta cho thấy, công tác phòng ngừa xã hội từ cơ sở thông qua các đoàn thể, các chương trình, đề án đã được chú trọng, song chưa đều. Có lúc, có nơi, công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) bị buông lỏng, coi là trách nhiệm riêng của ngành công an. Theo đánh giá của các ngành chức năng, tổ hòa giải có sự tham gia của Hội Cựu chiến binh các cấp, Công an xã, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi hiện nay đang là một trong số ít các mô hình PCTP hoạt động hiệu quả ở cơ sở.

Xã Cổ Bì (Bình Giang) là địa bàn giáp ranh nên tiềm ẩn sự phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đối tượng hình sự lợi dụng để hoạt động phạm pháp; số người rời làng đi làm ăn xa mang theo một số tệ nạn và thói hư, tật xấu trở về địa phương như trộm cắp, đánh nhau... Năm 2012, hai phụ nữ ở thôn Ô Xuyên là chị Vũ Thị Th. và Nguyễn Thị B. khóc lóc tìm đến Công an xã tố cáo việc chồng các chị thường xuyên tụ tập đánh bạc, chẳng để ý đến chuyện gia đình. Khi đó, Ban Công an xã xây dựng kế hoạch và triệt phá được ổ bạc trên. Tuy nhiên, sau đó do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại thương chồng nên các chị thay đổi ý định, muốn xin cho chồng được về nhà và cho rằng, chồng mình bị trù úm. Lúc này, Công an xã phải kiên trì phối hợp với Hội Phụ nữ tác động, phân tích nên các chị mới hiểu ra... Đến thời điểm này, Cổ Bì không có một đối tượng nghiện ma túy, an ninh trật tự được giữ vững. Công an xã đạt danh hiệu Quyết thắng, được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Theo Hội Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.501 thôn, khu dân cư có tổ hòa giải với 9.957 hòa giải viên là hội viên phụ nữ. Những thành viên tham gia các tổ hòa giải gồm nhiều thành phần như cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, người cao tuổi... Các tổ hòa giải này trực tiếp tháo gỡ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp quyền lợi giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ ở các địa phương. Nhờ đó, công tác hòa giải đã khẳng định vai trò quan trọng, giúp hạn chế phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến phạm pháp ngay từ cơ sở. Theo số liệu của Hội Phụ nữ tỉnh, từ đầu năm đến nay, các hòa giải viên phụ nữ đã tham gia hòa giải thành công 34 vụ việc.

Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện công tác hòa giải cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương cũng được Hội Cựu chiến binh các cấp quan tâm. Các tổ nắm tin, đội tình nguyện được củng cố; các tổ hòa giải, tổ tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh trật tự ở khu dân cư được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong quý I năm nay, hội đã vận động hội viên cựu chiến binh hiến 2.755 m2 đất làm đường. Từ đầu năm 2012 đến nay, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá 5 tụ điểm ma túy, 2 tụ điểm mại dâm; giáo dục cảm hoá 107 đối tượng lầm lỗi. Qua đó, có 7 tội phạm, 15 người nghiện ma túy hoàn lương. Thành lập 295 tổ nắm tin; 11 đội tình nguyện, cung cấp 178 tin cho công an và tham gia bắt 32 đối tượng phạm pháp. Ngoài ra, đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đăng ký cam kết hội viên cựu chiến binh và gia đình hội viên cựu chiến binh không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội.

Có thể thấy, nếu không được giải quyết kịp thời thì từ những mâu thuẫn nội bộ gia đình, tranh chấp đất đai, nợ nần, tình cảm; hoặc mâu thuẫn bột phát như các vụ án xảy ra vì va chạm giao thông, xích mích trong khi ăn nhậu… cũng có thể dẫn đến các vụ việc nghiêm trọng. Do đó, một trong những biện pháp cần được áp dụng hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia PCTP do nguyên nhân xã hội. Vì thế, việc phát hiện và giải quyết mâu thuẫn cần được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các gia đình, cá nhân trong giải tỏa các phát sinh mâu thuẫn, bất hòa trong đời sống hằng ngày cũng là một yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa xã hội, tránh các vụ việc phức tạp xảy ra ngay từ cơ sở.

CẨM GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngừa xã hội để ngăn chặn tội phạm