Phòng hơn chống

14/06/2012 07:05

Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", chúng ta cần sớm phát hiện những dấu hiệu sai trái ở trẻ em để kịp thời có biện pháp giáo dục, uốn nắn kịp thời...

Kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu cho thấy: một đứa trẻ bị hư hỏng là do một quá trình chuyển biến tâm lý phức tạp, trong đó cái ác lấn át cái thiện, cái xấu ngày càng lan rộng ra. Những phương pháp giáo dục trẻ em thiếu tính khoa học, thậm chí có cả cái sai là một lý do làm cho trẻ em hư. Chẳng hạn có một số người thường quan niệm: “cha mẹ sinh con trời sinh tính” hoặc “trăng đến rằm trăng tròn” tức là buông trôi việc giáo dục trẻ em, để cho yếu tố tự nhiên điều khiển quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Những sự nuông chiều quá mức hay sự độc đoán, hà khắc đều có thể làm cho tính cách và hành vi của đứa trẻ biến đổi từ cái tốt thành cái xấu. Những sự bất hòa, chửi mắng lẫn nhau hoặc sự làm ăn không lương thiện của người lớn trong gia đình và ngoài xã hội đều có ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Cần nói thêm rằng, những trẻ em có kết quả học tập kém ở nhà trường nhưng không được quan tâm chăm sóc chu đáo của các thầy, cô giáo, bị lưu ban, từ đó sinh ra tư tưởng chán học và dễ bị cuốn hút bởi những tiêu cực bên ngoài. Kinh nghiệm thực tiễn cho hay, khi tác động của môi trường giáo dục yếu đi, thì ảnh hưởng của môi trường tự phát tăng lên và dần dần ảnh hưởng của tập thể lớp sẽ bị thay thế bằng ảnh hưởng của nhóm bạn bè ở đường phố.

Điều đáng lưu ý là quá trình biến đổi từ những trẻ em bình thường đến những trẻ em hư hỏng không phải xảy ra một cách đột biến, tức thời, ai cũng có thể nhận ra ngay một cách dễ dàng. Trái lại, đây là một quá trình xâm nhập dần dần mang tính chất "gặm nhấm" theo các giai đoạn có mức độ khác nhau. Lúc đầu đứa trẻ bị lôi cuốn một cách tự phát vào những hoạt động tiêu cực, tức là trẻ chưa ý thức được đầy đủ bản chất của việc mình làm. Sau đó những việc làm tiêu cực dần dần chiếm ưu thế trong đời sống của đứa trẻ và cuối cùng nó trở thành một nhu cầu thiết thân đối với nó. Về mặt phạm vi thì ban đầu thường xảy ra trong gia đình, rồi lan sang hàng xóm, bạn bè và sau đó đi ra xã hội.

Việc tìm ra nguyên nhân dẫn trẻ em đến hư hỏng là cơ sở ban đầu rất quan trọng để từng bước khắc phục tình trạng trẻ em bị suy thoái nhân cách.

Quán triệt  quan điểm nhân văn trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, người ta đã tìm ra nhiều phương pháp giáo dục trẻ em hư và áp dụng có hiệu quả trong thực tế. Ví dụ: “Phương pháp xây dựng lại niềm tin”, “Phương pháp chuyển hướng giáo dục”, “Phương pháp tự hoàn thiện”... Mỗi phương pháp đều có chỗ mạnh, chỗ yếu và có một giới hạn nhất định. Vì vậy, phải kết hợp hài hòa các phương pháp đó trong khi tiến hành giáo dục trẻ em hư; cần tổ chức nhiều hình thức hoạt động khác nhau, tạo điều kiện cho đứa trẻ tự giác tham gia các hoạt động và tự giác đánh giá bản thân. Chúng ta cần tránh sự gò ép trẻ theo ý mình một cách thô bạo mà phải có thái độ thận trọng đối với thế giới bên trong đầy bí ẩn của trẻ; không chế nhạo những sai lầm của trẻ. Các nhà giáo dục nói chung, các thầy, cô giáo, các anh chị cán bộ đoàn, đội nói riêng cần gợi ra cho trẻ em hư tự nhìn thấy hết chiều sâu tình trạng khuyết điểm của chính bản thân mình, từ đó tạo ra trong tâm hồn trẻ một sự bất bình sâu sắc đối với chính bản thân, chán ghét lối sống sai trái, hối hận về khuyết điểm đã mắc phải và có nhu cầu làm lại cuộc đời, xây dựng một tâm hồn lành mạnh, trong sáng.

Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", chúng ta cần sớm phát hiện những dấu hiệu sai trái ở trẻ em để kịp thời có biện pháp giáo dục, uốn nắn không để các em rơi vào tình trạng đã rồi, sau đó mới tìm cách cứu chữa thì đã muộn.

 TS. PHẠM TRUNG THANH  (Đại học Thành Đông) 

(0) Bình luận
Phòng hơn chống