Tham nhũng vặt đang là một vấn nạn, một căn bệnh mà nhân dân luôn bức xúc.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Thủ đô Hà Nội đã nói: “Tệ tham nhũng không phải chuyện nhỏ, cần phải tập trung chống tham nhũng vặt vì nó như ghẻ ruồi, rất khó chịu”.
Thực tế cho thấy các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, ở những chương trình, dự án lớn, ở ngay các cơ quan công quyền cơ sở, nơi mà hằng ngày trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Tham nhũng vặt tập trung ở những cá nhân, tổ chức trực tiếp quan hệ với công dân và doanh nghiệp. Vì thế mới có chuyện ở một số bệnh viện có bác sĩ, y tá gợi ý bệnh nhân bồi dưỡng để được điều trị, quan tâm; chuyện chuyển trường, chuyển lớp trái tuyến vào lớp “chất lượng cao” hoặc “lớp đầu” phải có quà, có quan hệ; chuyện làm thủ tục, giấy tờ, hồ sơ bị trả đi, trả lại nhiều lần, cũng vì không kẹp phong bì...
Đó là những biểu hiện cụ thể của tham nhũng vặt. Cứ như vậy, dần dần chúng ta chấp nhận tham nhũng vặt, coi tham nhũng, hối lộ vặt là đương nhiên. Từ đó mới dẫn đến chuyện cán bộ hách dịch, sách nhiễu, nạt dân… Tham nhũng vặt lâu dần sẽ tích lũy thành tham nhũng lớn.
Có thể phát hiện tham nhũng vặt thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Các hoạt động này được quy định chặt chẽ và đầy đủ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác này khi đánh giá, kết luận sẽ chỉ ra những vụ việc và người có hành vi vi phạm pháp luật.
Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức và đơn vị cũng phát hiện được tham nhũng vặt. Những dấu hiệu ban đầu, những biểu hiện bất thường phần lớn được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và từ các cơ quan quản lý. Qua phản ánh, tố cáo của người dân, cơ quan báo chí cũng là một kênh có thể phát hiện tham nhũng vặt...
Để phòng chống tham nhũng vặt, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tích cực phê phán những biểu hiện, những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng; xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục rà soát, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng phải có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức; kịp thời phát hiện và loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng những cán bộ biến chất không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và vi phạm tham nhũng.
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, phải có sự vào cuộc và quyết tâm chính trị rất cao của tất cả các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh, tố cáo các hành vi tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng.
Để công tác phòng chống tham nhũng được kiểm soát triệt để và có hiệu quả, việc xử lý các hành vi tham nhũng và tham nhũng vặt phải nhanh chóng, nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có trường hợp ngoại lệ và phải được công khai.
BÙI THỦY(Ban Nội chính Tỉnh ủy)