Tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta".
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, khách quan, không né tránh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ một trong những vấn đề bức xúc nhất, được cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, đó là tham nhũng.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng nhìn chung là chuyển biến chậm. Tham nhũng xảy ra rất nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi và phức tạp. Tham nhũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cho đến đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, trong tín dụng, ngân hàng và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác. Tham nhũng khá nặng trong công tác cán bộ. Tham nhũng len lỏi vào quan hệ Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Có thể thấy tham nhũng trong chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng... Trong điều kiện pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế quản lý còn nhiều sơ hở, thủ tục hành chính chưa cải cách triệt để, cơ chế "xin - cho" còn tồn tại thì tham nhũng vẫn còn đất sống. Điều đó đã làm phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội.
Trong các văn bản đã công bố, tham nhũng được gọi là tệ nạn, tức là nạn xấu, có hại. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng nghiêm trọng hơn nhiều. Người gọi đó là "ung nhọt", là "tội", là "kẻ địch", tức là nằm trong phạm trù mâu thuẫn đối kháng. Tham nhũng phải được tiêu diệt tận gốc, có thế mới góp phần xây dựng Đảng ta là "đạo đức, văn minh". Trong đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh chữ "liêm". Người nói: "Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon sống yên (ý nói tư tưởng cầu an hưởng lạc, không chịu đựng gian khổ hy sinh như các cán bộ, đảng viên thời kháng chiến chống Pháp) đều là bất liêm". Người chỉ rõ: Của công tức là của nhân dân đóng góp cho Nhà nước. Vậy mà có người "lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức". Người căn dặn: "Mỗi người phải hiểu rằng tham lam là một điều rất xấu, kẻ tham lam là có tội với nước với dân". Người nêu một ví dụ thật sinh động và hoàn toàn dễ hiểu với mọi tầng lớp nhân dân: "Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật, vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công. Của công của Nhà nước và của tập thể là "bất khả xâm phạm". Tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta".
Ôn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lúc Đảng ta đang triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" là hết sức có ý nghĩa. Thấm nhuần lời dạy đó, chúng ta kiên quyết "đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về chính trị, tệ tham nhũng, lãng phí", như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
HỮU NGUYỄN(Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh)