Để công cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí đạt được kết quả cao, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc đưa tất cả các vụ việc tiêu cực ra pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Thực tế quản lý đất nước của chúng ta trong lịch sử cũng như trong thời gian qua không chỉ một lần cho thấy nếu chúng ta kiên quyết xử lý các trường hợp tham nhũng, đục khoét sẽ củng cố được niềm tin lớn, còn nếu ngược lại, sẽ dẫn đến nghi ngờ, mất lòng tin không đáng có trong quần chúng nhân dân.
Một ví dụ điển hình đó là trường hợp vào năm 1950, Bác Hồ đã từ chối phê chuẩn đơn xin giảm án tử hình của một cán bộ quân đội. Năm đó, vào lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào giai đoạn cam go, Bác Hồ nhận được thư tố cáo của một đại biểu Quốc hội cho biết Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã dùng quyền lực trong việc cung cấp quân nhu cho bộ đội để ăn cắp công quỹ.
Cụ thể, cứ mỗi chiếc màn cung cấp cho bộ đội bị Châu ăn bớt 2 tấc xô, nên màn bị ngắn đi. Còn áo trấn thủ thì Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào. Áo trấn thủ mặc nặng mà không ấm. Giữa mùa đông lạnh giá, với chiếc áo trấn thủ bị bớt xén, các chiến sỹ đói rét, rách rưới, cơ cực. Nhiều người biết mà không dám nói.
Trong khí đó, tiệc cưới của một cán bộ quân đội dưới quyền Châu thì được tổ chức linh đình, thức ăn thừa thãi.
Một cuộc thanh tra lập tức đã được tiến hành. Tài liệu chứng cứ thu thập về đầy đủ để Ban Kiểm tra Trung ương Đảng ra kết luận, Trần Dụ Châu tuy có công với kháng chiến nhưng là một kẻ ăn chơi trác táng, lại hách dịch và phản bội lại lòng tin của Đảng, Bác, quân đội và nhân dân.
Trước sự thật đau lòng, Bác Hồ đã dứt khoát phê chuẩn án tử hình Trần Dụ Châu. Người nói: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân… nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì đó là việc làm cần thiết”.
Vụ án đã gây chấn động trong quân đội và nhân dân, đã củng cố niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Nhờ vậy, thế của quân đội ta từ cầm cự, phòng ngự đã chuyển sang tổng phản công đánh thắng địch ở Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Vụ án Trần Dụ Châu đã lùi vào lịch sử gần 70 năm, nhưng tính thời sự, nghiêm minh pháp luật thì vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đang có những chuyển biến tích cực, quyết liệt.
Năm 2017, ngành kiểm tra của Đảng đã tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức Đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 18 cán bộ. Đặc biệt có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, như Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói: “Có vui vẻ gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm. Nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm, quyết liệt làm. Có như vậy xã hội mới yên ổn, phát triển văn minh”.
Giờ đây, mỗi khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, công bố những sai phạm của tổ chức, cá nhân cùng nhiều vụ việc được đưa ra xét xử công khai, minh bạch lại thu hút các tầng lớp nhân dân quan tâm hăng hái vào cuộc.
Đã xuất hiện những tập thể, cá nhân công khai tên tuổi cá nhân, tổ chức mình khi tố cáo, phát hiện những tiêu cực, của các cán bộ có chức, có quyền. Những việc làm đó đã thể hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang dần dần trở thành phong trào của toàn dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài cuộc và lò đã nóng củi tươi cũng phải cháy”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó trong thực tế, ởmột vài nơi, tình trạng nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, mặc dù đã bị các cơ quan thông tin đại chúng và người dân phanh phui, tố cáo nhưng không được đưa ra xử lý công khai. Có cả trường hợp không công bố công khai kết quả xử lý.
Với những trường hợp xử lý không triệt để, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật sẽ làm cho dư luận quần chúng nhân dân nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để công cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí đạt được kết quả cao, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc đưa tất cả các vụ việc tiêu cực ra pháp luật. Dù ở bất cứ mức độ nào đều phải được đưa ra xử lý công khai, thông báo kết quả công khai, minh bạch cho tất cả mọi người đều biết.
Đồng thời, cũng cần thiết xử lý và xử lý thật nghiêm những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm hoặc bao che cho các hành vi vi phạm. Nếu không làm được như vậy sẽ để mất lòng tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước, dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng.
NHẬT NAM (VGP)