Phòng, chống hạn vụ đông xuân: Nhiệm vụ cấp bách

05/11/2010 05:56

Lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ hạn hán có thể xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là thời kỳ lấy nước đổ ải để làm đất gieo cấy lúa xuân nên việc phòng, chống hạn cho vụ đông xuân đang được đặt ra rấp cấp bách.


Do trời ít mưa nên hồ Phượng Hoàng (Chí Linh) bị cạn nhiều chỗ trơ đáy

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, do mực nước sông các tháng mùa lũ vừa qua ở mức thấp kỷ lục (gần như không có lũ), nên lượng trữ nước ở các sông trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp. Dự báo trong vụ đông xuân 2010-2011, mực nước trung bình các tháng trên sông Thái Bình (tại Phả Lại) tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 0,6m đến 0,7m. Mực nước thấp nhất có thể xảy ra vào tháng 2 và tháng 3. Riêng hạ lưu sông Hồng (tại Xuân Quan), mực nước trung bình các tháng đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,8m đến 2,7m. Lượng mưa trong vụ đông xuân sẽ ở mức xấp xỉ và ít hơn trung bình nhiều năm. Như vậy, thời tiết - thủy văn vụ đông xuân ở tỉnh ta sẽ rơi vào tình trạng khô hạn.

Nguy cơ hạn hán có thể xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là thời kỳ lấy nước đổ ải để làm đất gieo cấy lúa xuân. Mực nước sông Hồng xuống thấp rất dễ dẫn tới tình trạng khó lấy nước vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Quan. Tình thế này xảy ra sẽ buộc tỉnh ta phải lấy nước thủy triều “ngược” qua cống Cầu Xe và An Thổ, nhưng nếu độ mặn ở mức cao thì sẽ không lấy được nước. Tình hình khô hạn cũng khiến nguồn nước bổ sung vào các hồ tự chảy trên địa bàn thị xã Chí Linh không đáng kể, nên nguồn cấp nước cho diện tích cây trồng phụ thuộc các hồ sẽ rất khó khăn. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước ở đây đã bị cạn hoặc thiếu nước so với trung bình nhiều năm.

Các địa phương cần tích cực làm thủy lợi đông xuânđể chống hạn có hiệu quả.Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trìnhthủy lợi huyện Cẩm Giàng nạo vét một tuyến kênh nổi qua xã Cẩm Định


Đứng trước những khó khăn về thời tiết - thủy văn của vụ đông xuân này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp đối phó từ sớm. Ngày 27-10, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn vụ đông xuân 2010-2011, do đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tiếp đó, ngày 1-11, UBND tỉnh đã quyết định giao kế hoạch làm thủy lợi đông xuân với tổng khối lượng đào, đắp là hơn 1 triệu m3, bao gồm nạo vét 246 tuyến kênh dẫn, tu bổ 241 tuyến kênh nổi, tôn cao và ấp trúc 25 bờ vùng, nạo vét 98 cửa cống, hố hút và đào, đắp hơn 600 nghìn m3 tiểu thủy lợi.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập ban chỉ đạo làm thủy lợi đông xuân 2010-2011; giao khối lượng cụ thể cho từng đơn vị, địa phương; chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tổ chức phát động phong trào thi đua, huy động lực lượng đồng loạt ra quân làm thủy lợi vào ngày 10-11-2010 và hoàn thành kế hoạch được giao trước ngày 20-12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Trung tâm Khí tượng - Thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để điều hành mực nước nội đồng hợp lý, bảo đảm yêu cầu tưới cho cây vụ đông và nạo vét các sông, trục; hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện làm thủy lợi và tổng hợp kết quả theo tiến độ 7 ngày/lần để báo cáo UBND tỉnh. Giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khẩn trương lập thủ tục các hạng mục công trình để tổ chức thực hiện; chỉ đạo các xí nghiệp tham mưu cho UBND cấp huyện, thị xã giao khối lượng cho từng xã; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt tại hiện trường để hướng dẫn các địa phương làm thủy lợi, bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tiến độ. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, động viên nhân dân hăng hái làm thủy lợi.
Như vậy, trong việc giao kế hoạch làm thủy lợi đông xuân 2010-2011, tỉnh đã ưu tiên phần việc cho việc nạo vét kênh dẫn, cửa cống, hố hút. Ngoài ra, khối lượng nạo vét các mương “xương cá” nội đồng cũng được tăng thêm so với năm trước. Thời hạn tỉnh giao kết thúc làm thủy lợi đông xuân cũng sớm hơn năm ngoái 15 ngày.

Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn vụ đông xuân yêu cầu các địa phương, đơn vị làm thủy lợi đông xuân kết hợp với việc giải tỏa vật cản, làm thông thoáng dòng chảy; kiểm tra, sửa chữa các công trình, máy móc thiết bị để điều hành bơm nước tưới; triệt để lợi dụng các đợt triều cường, khai thác các kho chứa nước; ở vùng quá khô hạn cần tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương lập phương án chống hạn vụ đông xuân theo 3 "kịch bản". Thứ nhất, mực nước ở hệ thống sông ngoài xuống thấp bằng mực nước thiết kế ở các cửa cống chính. Thứ hai, mực nước sông ngoài tiếp tục xuống thấp hơn 30cm so với mực nước thiết kế, đây là trường hợp bất lợi. Thứ ba, mực nước sông ngoài xuống thấp kỷ lục (chỉ còn ở mức 0,1m ở Xuân Quan) và khu vực hạ lưu bị nước mặn xâm nhập nên không lấy được nước thủy triều, đây là trường hợp bất lợi nhất. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đang khẩn trương xây dựng phương án chống hạn theo 3 "kịch bản" này.

Để chủ động nguồn nước cho việc đổ ải làm đất gieo cấy lúa xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Hội đồng hệ thống Bắc Hưng Hải lấy nước vào hệ thống sông trục từ ngày 20-12 (lấy nước sớm hơn các năm trước 10-15 ngày). Vì vậy, việc làm thủy lợi đông xuân cũng phải kết thúc trước ngày 20 - 12. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, một số huyện đã chủ động triển khai kế hoạch làm thủy lợi đông xuân từ sớm và bắt đầu làm các hạng mục nhỏ.

Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh đề nghị ngành điện lực cần ưu tiên cấp điện cho công tác phòng, chống hạn, đặc biệt là thời gian bơm nước đổ ải để tránh tình trạng có nước nhưng không bơm được. “Hiện nay, nhiều người tỏ ra chủ quan với tình hình hạn hán năm nay, cho rằng tỉnh vẫn có nguồn nước thủy triều để lấy nước vào nội đồng. Tuy nhiên, nếu mực nước sông xuống thấp, mặn xâm nhập vào sâu thì sẽ không lấy được nước. Nếu địa phương nào chủ quan sẽ không có nước phục vụ sản xuất. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương lập phương án phòng, chống hạn ngay từ đầu để tránh bị động khi tình huống xấu xảy ra”, ông Chinh cảnh báo.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống hạn vụ đông xuân: Nhiệm vụ cấp bách