Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, Chi cục Thú y Hải Dương khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Người chăn nuôi cần chủ động cung cấp các loại thức ăn có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm các loại thức ăn dễ tiêu hóa, phù hợp với từng lứa tuổi của con vật. Đối với gia cầm đang úm hay lợn con đang tập ăn, nên sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp để bảo đảm đủ dinh dưỡng. Đối với trâu bò, ngoài cung cấp thức ăn thô xanh, cần bổ sung cân đối thức ăn tinh và kết hợp ủ chua các loại thân cây như ngô, rơm rạ để dự trữ cho mùa đông.
Cung cấp nguồn nước sạch cho đàn vật nuôi. Chủ động bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin vào các bữa ăn để nâng cao sức đề kháng của con vật.
Vệ sinh trong chăn nuôi
Thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ giới như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu dọn phân rác, chất độn chuồng. Giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ; cọ rửa, vệ sinh máng ăn, máng uống 2 lần/ngày. Nên phun thuốc sát trùng trong khu vực trang trại 2 lần/tuần.
Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch
Đối với đàn lợn, bên cạnh thực hiện tiêm phòng 4 loại bệnh đỏ (dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu), cần tiêm phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng. Riêng đối với lợn nái, cần tiêm thêm vaccine leptospira, suyễn lợn. Nên tiêm thêm vaccine Ecoli cho lợn con. Đối với trâu bò, cần tiêm vaccine lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Đối với đàn gà, cần tiêm đầy đủ các loại vaccine cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro.
Kết hợp với việc tiêm vaccine, để phòng trừ thêm một số bệnh thường gặp khi thay đổi thời tiết, người chăn nuôi nên sử dụng các loại kháng sinh trộn vào nước uống hoặc thức ăn cho con vật.
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi
Nếu phát hiện vật nuôi có những biểu hiện không bình thường, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần tách riêng để theo dõi và phải báo ngay cho nhân viên thú y của địa phương, UBND cấp xã hoặc trạm thú y cấp huyện để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Con giống mới nhập về cần được nuôi cách ly từ 15 - 30 ngày trước khi nhập đàn. Trong quá trình nuôi, cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con vật, nếu khỏe mạnh thì đưa vào khu vực nuôi chính. Nếu có triệu chứng lâm sàng của bệnh, cần tiếp tục nuôi cách ly và có biện pháp xử lý kịp thời.
NGUYỄN MINH ĐỨC Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương