Phong cách làm việc của người luôn là mẫu mực cho những giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Nông dân xã Ái Quốc (Nam Sách) báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 31.5.1957)
Trong suối nguồn tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta, phong cách làm việc của người luôn là mẫu mực cho những giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu học tập, vận dụng làm theo phong cách làm việc của Người là việc làm hết sức cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Học tập, làm theo phong cách làm việc của Người, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt 4 vấn đề lớn mang tính nguyên tắc sau:
Một là, tính nghiêm túc, sáng tạo và mềm dẻo. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (1947), Người chỉ rõ: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng, đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”.
Trong mọi công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người cán bộ có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính nguyên tắc, “bất biến”, như chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, mục tiêu, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân thì nhất thiết chúng ta phải kiên định, vững vàng, trước sau như một, không bi quan dao động. Những vấn đề như lao động, sản xuất, học tập, đấu tranh, thi đua, xây dựng đời sống mới... thì phải năng động, sáng tạo, đa dạng, phong phú loại hình, linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Hai là, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho ta trong công việc thực tế. Vì vậy, là cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý phải có lý luận mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ sự cần thiết phải liên hệ lý luận với thực tiễn trong công tác.
Để tránh giáo điều, “lý luận suông”, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần thường xuyên rèn luyện, nâng cao năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn. Cán bộ, đảng viên một mặt phải nâng cao trình độ lý luận, mặt khác phải “gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng”, phải “đi sát thực tế”, “liên hệ mật thiết với quần chúng”.
Ba là, phong cách làm việc quần chúng. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên trong mọi công tác của Đảng, của Chính phủ, đoàn thể, phong cách làm việc tốt nhất là phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người yêu cầu cán bộ “phải đi sát thực tế thường xuyên đấu tranh chống tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, phát huy tư tưởng tiên tiến”, “cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ” phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cán bộ phải có phong cách làm việc liên hệ mật thiết với quần chúng, bởi cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân. Có gần dân, hiểu dân, tin dân và được dân tin yêu, mến phục, người cán bộ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Là lãnh tụ nhưng Hồ Chí Minh không xa cách với quần chúng. Trong lãnh đạo cách mạng, trong các bài nói, bài viết của mình, chưa bao giờ Người dùng từ “đao to búa lớn”, nhưng mỗi lời nói của Người, mỗi mong muốn của Người lại có sự thuyết phục lớn, lay động, thôi thúc, cảm hóa hàng triệu trái tim quần chúng hưởng ứng, làm theo.
Bốn là, phải thực hành "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Theo Hồ Chí Minh, "cần" là phải siêng năng, chăm chỉ, có sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, không ngại khó khăn gian khổ, kiên trì phấn đấu đạt được năng suất cao, chất lượng tốt, tiến độ nhanh. Đi đôi với "cần" là "kiệm". Hồ Chí Minh cho rằng tiết kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn. Tiết kiệm là biết chi tiêu khoa học, có hiệu quả nhất. Do vậy, “muốn tiết kiệm có hiệu quả tốt thì phải khéo tổ chức”. Cần thực hành tiết kiệm cả về tiền của vật tư, công sức, thời gian, đồng thời phải chống lãng phí.
Chữ "liêm", theo Hồ Chí Minh là trong sạch, không tham lam. Người chỉ rõ cán bộ lãnh đạo, quản lý bất liêm là những người cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút lót, hoặc trộm của công làm của tư, dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình.
Người cho rằng bất kỳ cán bộ ở cấp nào, ngành nào cũng phải có sự chính đáng, đúng đắn, đàng hoàng trong các mối quan hệ. Cán bộ phải luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm để phát huy điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý có đứng đắn mới quản lý được gia đình mình, mới tham gia quản lý xã hội có hiệu quả và có thể hội nhập với thế giới hiện đại.
"Chí công vô tư", theo Người là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý; “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Thực hành "chí công vô tư" là nêu cao chủ nghĩa tập thể, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chỉ biết đến mình, muốn “mọi người vì mình”. Nó là giặc nội xâm, còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng ta đã chỉ rõ hiện tại vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện xa rời lý tưởng, xa rời quần chúng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc quan liêu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập, vận dụng lời dạy của Bác, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức và đặc biệt là phong cách làm việc dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, gắn bó mật thiết với quần chúng của Bác, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ LÊ XUÂN HUY
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh