Vụ đông này, giống ngô nếp lai HN88 được một số hộ dân ở Chí Linh tiếp tục gieo trồng. Hiện ngô đang giai đoạn trỗ cờ nhưng bệnh gỉ sắt phát sinh gây hại.
* Triệu chứng:
Mới đầu chỉ là những chấm nhỏ loáng thoáng hoặc có khi dầy trạt một chỗ ở trên mặt lá hoặc bẹ, có màu vàng trong rồi chuyển màu vàng nhạt. Sau đó lớn dần thành những u mụn lấm tấm, bóp ra có bột màu vàng. U mụn nứt vỡ dần và lộ ra lớp bột màu đỏ gạch cua, rồi chuyển màu gỉ sắt. Đó chính là bào tử của nấm.
* Đối tượng gây hại, đặc điểm phát sinh phát triển:
Do nấm Puccinia maydis. Phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cao; cây cằn cỗi do chăm bón không đều hoặc khô hạn...
* Nguồn bệnh, điều kiện lây lan và phá hại:
Nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, hạt giống, nước, phân tưới và không khí. Bệnh lây lan nhờ gió, mưa, côn trùng và các tác động cơ giới của con người...
Bệnh phát sinh phá hại từ lá chân lên các lá phía trên khi ngô đang chuẩn bị trỗ cờ. Khi nặng, cây nào cũng có từ 1-2 lá chân bị cháy khô hoàn toàn, bẹ và mặt dưới các lá kế tiếp đến lá sát trên của lá đóng bắp cũng mang nhiều vết bệnh, tạo thành những sọc cháy khô, nhất là phần nửa chóp. Hậu quả, cây bị xác xơ, quang hợp và vào chắc kém.
* Biện pháp khắc phục:
- Thăm đồng kịp thời để nhận diện được triệu chứng bệnh như đã nói ở trên.
- Nhặt, cắt những lá chân đã và đang bị cháy khô, tập trung đốt tiêu hủy chỗ xa các ruộng đang có các loại cây trồng.
- Tưới rãnh bảo đảm độ ẩm đạt từ 70-80% để nâng cao sức đề kháng và thể trạng cây ngô.
- Phun trừ khi có từ 4 - 5% số cây trong ruộng có lá chân bị cháy khô hoàn toàn, bằng thuốc Domark 40ME và chất bám dính HPC. Kỹ thuật pha phun như sau: Pha 25ml thuốc và 1 gói bám dính HPC loại 20ml với 12 lít nước, phun đẫm đều cho từ 5 - 6 thước; phun lần 2 sau lần 1 từ 3 - 4 ngày.
Chú ý: Với ruộng đã bị nặng, cần phun thêm lần 3 sau lần 2 từ 2- 3 ngày, phun vào chiều mát không mưa.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN