Gà thả vườn thường mắc một số bệnh. Bà con chăn nuôi cần chú ý phòng, chữa một bệnh sau:
Gà mắc bệnh cầu trùng: Thường ủ rũ, kém ăn, uống nước nhiều; kế đó là ỉa chảy, lầy nhầy vì có niêm mạc ruột bị tróc ra. Sau vài ngày, phân có máu tươi hoặc màu nâu. Nếu không điều trị kịp thời, gà chết sau 3- 5 ngày với tỷ lệ 40-60%.
Điều trị: Pha 0,2g esb3 (là hóa dược có kết tinh như đường kính, tan trong nước) với 0,1l nước, cho uống 3- 4 ngày.
Phòng bệnh: Pha 0,1g thuốc với 0,1l nước, cho gà uống 2- 3 ngày/tuần, dùng liền 2-3 tuần. Vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, cho ăn đủ dinh dưỡng và các vitamin A, D, E, C, B1.
Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (CRD): Thường xảy ra khi thời tiết thay đổi và độ ẩm cao. Mầm bệnh từ gà bệnh sẽ ra ngoài theo hơi thở, nước mũi, nước giãi của gà, lây qua đường hô hấp. Gà bệnh ăn kém, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, thở khó.
Điều trị: Tylosin: dạng bột 98%: 0,1g pha 2l nước, uống 3 - 5 ngày. Tylosin tiêm cho gà theo liều 20- 25mg/kg thể trọng gà, dùng 3 - 5 ngày. Hoặc Tiamulin dạng bột, 1-1,5g pha 1l nước, uống 3 - 5 ngày. Hoặc trộn vào thức ăn: 20g/100kg thức ăn. Tiamulin có dạng tiêm, pha 0,1ml với 0,4ml nước cất, tiêm 3 - 4 ngày.
Bệnh đậu gà: gà 1- 3 tháng có những nốt đậu nhỏ bằng hạt lúa, hạt đậu xanh, màu đỏ mọc len ở má, gần lỗ mũi, gần mắt, mào gà hoặc trên da đùi, góc cánh của gà. Những nốt đậu phát triển to dần, mọng nước màu trắng vàng, rồi vỡ ra, tạo ra các vẩy màu nâu, bong ra. Nốt đậu cũng thường mọc trong niêm mạc mũi, trong miệng gà và trong kết mạc mắt khi vỡ ra, làm cho gà bị chết.
Điều trị: Blen-Methylen (5%o), cồn i-ốt bôi lên mụn đậu hằng ngày; nhỏ dung dịch Chloramphenicol- 4 %o lên mụn đậu, vào mắt và miệng, mũi cho gà để diệt các tạp khuẩn gây viêm nhiễm thứ phát.
Phòng bệnh: tiêm vắc-xin.
(Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ)