Phối hợp xử lý ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

26/10/2022 11:08

Đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước của hệ thống thuỷ lợi này.


Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) lấy mẫu nước thải từ Công ty TNHH GFT Unique Việt Nam (xã Thanh Giang, Thanh Miện) vào đầu tháng 5.2022. Công ty này bị xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng do xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải


Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) tiếp tục có xu hướng tăng cả về phạm vi và mức độ, có nơi ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Thực trạng này khiến dư luận nhân dân bức xúc, đặc biệt cử tri ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đã phản ánh lên Quốc hội và các cấp có thẩm quyền để được quan tâm xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước của hệ thống thuỷ lợi này.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và UBND tỉnh, Công an tỉnh Hải Dương đã liên tiếp mở các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi BHH trên địa bàn tỉnh. Gần 10 tháng qua, trong các đợt kiểm tra, Công an tỉnh đã xử phạt 86 tổ chức, cá nhân vi phạm, phạt 2,78 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc tổng rà soát, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi BHH chỉ là giải pháp trước mắt. Hệ thống này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và địa phương, nhiều quy định chuyên ngành nên việc giải quyết vấn đề ô nhiễm cả hệ thống thủy lợi BHH nói chung và đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng cần có giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài.

Trước hết, phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan. Các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải. Chú trọng đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trên địa bàn cũng như tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị được UBND tỉnh giao là đơn vị đầu mối chủ trì theo dõi, tổng hợp đánh giá chung về tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi BHH. Sở cần chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc quản lý hoạt động của các bến bãi kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng; kiên quyết dừng, thu hồi đất đối với các bến bãi không được cấp phép hoạt động.

Lực lượng Công an tỉnh, nòng cốt là lực lượng cảnh sát môi trường và công an các xã, phường, thị trấn tập trung nắm tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

PHƯƠNG THÙY (Công an tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phối hợp xử lý ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải