Phối hợp giải quyết tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài

22/03/2018 15:39

Một số địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn khi bị đưa vào danh sách không được đưa người đi lao động ở Hàn Quốc do có nhiều người bỏ trốn.

Các đại biểu tại buổi giám sát

Sáng 21.3, đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017"; thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình; thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017.

Các đồng chí: Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Phát biểu kết luận cuộc giám sát, đồng chí Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao những kết quả Hải Dương đã đạt được trong từng lĩnh vực. Nắm chắc những hạn chế, khó khăn trong từng lĩnh vực, đồng chí cho biết Ủy ban về các vấn đề xã hội đang tích cực tham mưu, phối hợp với phía Hàn Quốc để giải quyết tình trạng người lao động Việt Nam tự ý bỏ trốn ra làm việc tự do ở nước này. Một số địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn khi bị đưa vào danh sách không được đưa người đi lao động ở Hàn Quốc do có nhiều người bỏ trốn. Ủy ban sẽ kiến nghị chỉnh sửa việc cho người đi xuất khẩu lao động vay vốn với mức phù hợp hơn. Tỉnh cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có người lao động nước ngoài, huy động sự giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội để tạo nền nếp, chấn chỉnh doanh nghiệp và người lao động nước ngoài thực hiện nghiêm pháp luật Việt Nam.

Về chế độ BHXH, BHYT, đồng chí lưu ý tỉnh và các ngành cần tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc huy động nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Tận dụng các điều kiện đón đầu cơ hội "dân số vàng" với nguồn nhân lực trẻ, tay nghề cao; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng chăm sóc để nâng tầm vóc, trí tuệ của thế hệ dân số trẻ.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đề xuất, kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực. Tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung tại các nghị định, thông tư, một số mẫu báo cáo ban hành kèm theo thông tư cho phù hợp với yêu cầu về công tác quản lý... Có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các ngành lao động, thương binh và xã hội, tư pháp, công an, kế hoạch và đầu tư, ngoại giao trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và hướng dẫn kịp thời ngay từ khi họ nhập cảnh vào Việt Nam... Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đối với việc xuất khẩu lao động để phù hợp tình hình hiện nay. Đối với người Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với phía Hàn Quốc có biện pháp mạnh hơn để xử lý những doanh nghiệp sử dụng người lao động cư trú bất hợp pháp. Khó khăn nhất hiện nay của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là không thể nắm được số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng mà theo thỏa thuận, lao động tự do.

Các ngành liên quan góp ý chỉnh sửa nhiều điều khoản trong dự thảo Luật Dân số và các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường tổ chức thực hiện Luật BHXH, BHYT trong thời gian tới. Luật Phòng chống bạo lực gia đình cần tiếp tục chỉnh sửa, điều chỉnh một số điều khoản để bảo đảm sự an toàn cho nạn nhân và có hình thức răn đe mạnh tay đối với người có hành vi gây ra bạo lực gia đình.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phối hợp giải quyết tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài