Để Quy định 76 của Bộ Chính trị thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của cấp ủy nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú.
Để tăng cường quản lý đảng viên, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Quy định 76-QĐ/TW “Về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết để quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, giúp cấp ủy nơi đảng viên công tác có kênh thông tin, đánh giá, nhận xét của cấp ủy địa phương về đảng viên của mình hằng năm.
Tuy nhiên, nhiều nơi thực hiện quy định này chưa tốt, còn hình thức. Chỉ đến khi chuẩn bị công tác đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm thì việc thực hiện quy định này mới được “hâm nóng”, sau đó tình hình đâu lại vào đó. Phần lớn cấp ủy nơi đảng viên cư trú chỉ họp với đảng viên diện 76 được một lần/năm, thậm chí có những chi bộ không tổ chức họp. Các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn, nội dung chủ yếu để cấp ủy nơi đảng viên cư trú giới thiệu tóm tắt tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng của cơ sở; lấy ý kiến góp ý của đảng viên đương chức... Nhiều hội nghị diễn ra một chiều, đảng viên đương chức thường ít phát biểu, thường là nêu các ưu điểm, khen hoặc những ý kiến chung chung; ngại đụng chạm đến những vấn đề gai góc, tiêu cực, nhất là những khuyết điểm của tổ chức, cán bộ ở cơ sở.
Điều 3 của Quy định 76 nêu rõ cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên công tác có nhiệm vụ: “Chủ động liên hệ (bằng giấy giới thiệu của chi ủy hoặc đảng ủy cơ sở nơi làm việc, bằng gặp gỡ trực tiếp) với chi ủy hoặc đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú. Kiểm tra đảng viên thực hiện các nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú. Biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và nhắc nhở những đảng viên chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ ở nơi cư trú”. Nhưng thực tế nhiều cấp ủy ở cơ quan, đơn vị nơi đảng viên đương chức công tác thường chỉ viết giấy giới thiệu đưa cho đảng viên tự mang về ban chi ủy nơi cư trú, rất ít trực tiếp gặp giao cho tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên cư trú. Rất ít tổ chức đảng tổ chức kiểm tra, giám sát, thẩm định các ý kiến của chi ủy chi bộ nơi đảng viên mình cư trú; ít chú ý lắng nghe, tập hợp những nhận xét, đánh giá của người dân nơi đảng viên cư trú. Cho nên có những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị về nơi cư trú không tích cực, thiếu gương mẫu thực hiện các chủ trương của địa phương nơi cư trú, nhưng khi bình xét cuối năm vẫn được tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị công tác công nhận đạt danh hiệu “đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thậm chí còn được công nhận là chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng bằng khen, huân chương.
Để Quy định 76 của Bộ Chính trị thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của cấp ủy nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú. Cấp ủy nơi cư trú cần duy trì sinh hoạt với đảng viên đang công tác thành nền nếp trong năm, chọn những thời điểm thích hợp để đảng viên tham gia sinh hoạt đông đủ nhất. Cấp ủy nơi đảng viên công tác phải nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của khu dân cư, bảo đảm những nhận xét của cấp ủy nơi đảng viên sinh sống thực sự là thông tin quan trọng để đánh giá, kiểm điểm đảng viên. Đặc biệt là thời điểm bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ. Đối với những đảng viên tích cực tham gia hoạt động của địa phương hoặc ngược lại, tổ chức đảng ở địa phương có thể chủ động đánh giá mà không nhất thiết phải chờ đến cuối năm...
Đảng ta đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Vì vậy việc thực hiện nghiêm túc Quy định 76 của Bộ Chính trị là một giải pháp quan trọng nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)