Phó thủ tướng yêu cầu xử lý các vi phạm của EVN và các đơn vị được phát hiện tại kết luận thanh tra của Bộ Công Thương
Ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, về thực hiện kết luận thanh tra liên quan tới quản lý, điều hành cung ứng điện tại EVN và các đơn vị liên quan. Việc thanh tra cung ứng điện được tiến hành sau chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 6 trước thực trạng thiếu điện ở miền Bắc, nhất là Hà Nội bị cắt điện luân phiên, diện rộng vào cuối tháng 5.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung nêu tại kết luận thanh tra; đôn đốc xử lý các vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Bộ này cũng được yêu cầu kiểm tra việc xử lý sau thanh tra.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền thực hiện kết luận thanh tra.
Trước đó, từ cuối tháng 7, khi chưa có chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, EVN đã đưa ra kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra của Bộ Công Thương nhằm khắc phục các khuyết điểm, vi phạm và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cung cấp điện của tập đoàn.
Tập đoàn này kiểm điểm, xem xét trách nhiệm có liên quan đến khuyết điểm vi phạm của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc và lãnh đạo ban, trưởng ban EVN. Các tổng công ty, đơn vị trực thuộc cũng kiểm điểm tập thể hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; ban Giám đốc, Giám đốc các đơn vị.
Ngoài kiểm điểm trách nhiệm, EVN cũng đưa ra kế hoạch khắc phục bất cập trong cung ứng điện. Chẳng hạn, EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) hằng tháng tính toán phương thức vận hành tháng và cập nhật cho các tháng còn lại của năm, đánh giá khả năng cung cấp điện và đưa ra các giải pháp thực hiện.
Liên quan tới chuẩn bị nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện, tập đoàn này rà soát, đánh giá lại quy trình về định mức tồn kho; kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV, Tổng công ty Than Đông bắc đảm bảo cung cấp than để tăng mức tồn kho của các đơn vị phát điện vào cuối 2023, chuẩn bị cho các tháng mùa khô 2024. Cùng đó, EVN kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy định trong thị trường phát điện cạnh tranh để tạo động lực gắn trách nhiệm cho chủ đầu tư các nhà máy điện chuẩn bị đủ nhiên liệu than cho sản xuất trong mọi trường hợp.
Với dự trữ dầu diesel cho Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức và Bà Rịa, EVN chỉ đạo các đơn vụ xây dựng danh sách ngắn cung cấp dầu, ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung cấp để sẵn sàng mua theo nhu cầu sử dụng thực tế và chuẩn bị đủ nhiên liệu cho vận hành theo kế hoạch, phương thức huy động của A0.
EVN cho biết cũng chuẩn bị cơ sở hạ tầng tiếp nhận than tại cảng trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; khắc phục và duy tu bảo dưỡng các tổ máy điện. Tập đoàn này cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trên cơ sở kiểm tra, giám sát liên tục, kiến nghị các vấn đề vượt thẩm quyền như tháo gỡ thủ tục về đầu tư xây dựng, điều độ vận hành hệ thống khi chuyển A0 về Bộ Công Thương.
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương công bố giữa tháng 7 cho thấy, việc quản lý, vận hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan tại cả hai nguồn chính của miền bắc là thủy điện và nhiệt điện đều có bất cập.
Về thủy điện (chiếm khoảng 29% cơ cấu nguồn), theo kết luận thanh tra, việc EVN chỉ đạo định hướng hạ mực nước các hồ cuối năm 2022 và huy động đầu năm 2023 gây ảnh hưởng tới điều tiết nước cho phát điện mùa khô 2023. Việc vận hành này được đánh giá chưa sát thực tế thủy văn khi dự báo lưu lượng nước về giảm 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Nhiệt điện - nguồn chiếm hơn 32% cơ cấu và cung ứng gần một nửa sản lượng cả nước, trong đó có miền Bắc, cũng gặp những đứt gãy khi tồn kho nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp. Các nhà máy thiếu than phần lớn thuộc quản lý của EVN. Mặt khác, tồn kho than thấp cũng khiến một số nhà máy phải dừng tổ máy trong nhiều ngày.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra dự báo nhu cầu sử dụng điện chưa sát thực tế. (A0) đã dự báo phụ tải cho hệ thống điện cả nước, 3 miền năm 2021-2022 và 5 tháng đầu năm 2023 đúng quy định nhưng "chưa sát thực tế" với diễn biến nhu cầu sử dụng, thủy văn thay đổi.
Theo VnExpress