Phim Vị được giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Berlin nhận xét có ý tưởng xuất chúng và tầm nhìn điện ảnh, còn cư dân mạng Việt Nam bình luận phim "bệnh hoạn", "rác rưởi".
Hình ảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo - Ảnh: ĐPCC
Chiều 2.10, tọa đàm "Ai góp ý giơ tay 2" của giới làm phim được tổ chức trực tuyến. Sự kiện có sự góp mặt của các nhà làm phim Việt Nam và các giám đốc quỹ, giám đốc nghệ thuật và giám tuyển của các liên hoan phim quốc tế uy tín.
Liên hoan phim Berlin khen, cư dân mạng Việt mạt sát
Sau tọa đàm "Ai góp ý giơ tay" lần một, có luồng thảo luận về phim Vị và các phim Việt Nam dự liên hoan phim quốc tế. Có ý kiến hạ thấp giải thưởng quốc tế của Vị, Ròm, cho rằng phim Việt Nam hầu như chỉ góp mặt ở các chương trình, hạng mục phụ của những liên hoan phim nhỏ.
Vị đoạt giải Đặc biệt của ban giám khảo tại hạng mục Encounters của Liên hoan phim Berlin (Đức), một trong các liên hoan phim lớn nhất thế giới (cùng Cannes, Venice...). Còn Ròm đoạt New Currents - giải chính của Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) uy tín tại châu Á.
Ông Carlo Chatrian, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Berlin, trong video nhận xét về phim Vị - Ảnh: NVCC
Ông Carlo Chatrian, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Berlin, nói trong video gửi đến tọa đàm trực tuyến: "Năm nay chúng tôi nhận được 6.000 bộ phim, chỉ 170 phim được chọn để chiếu trước 65.000 khán giả và 1.600 nhà báo đến từ 70 quốc gia. Liên hoan có nhiều hạng mục, và Encounters chắc chắn là một trong những hạng mục tôi thích nhất".
Riêng về phim Vị (Taste) của Lê Bảo, ông Chatrian cho biết các giám khảo Encounters đều rất ấn tượng với Vị. Phim đoạt giải ở hạng mục này "luôn có ý tưởng xuất chúng" và Vị là ví dụ điển hình. Đây là một trong những phim gây bất ngờ nhất trong quá trình giám tuyển Berlin năm nay.
Ông Chatrian nói: "Vị ghi điểm với tầm nhìn điện ảnh trong từng khung hình và cách nhà làm phim kể câu chuyện gắn với những địa điểm thật. TP Hồ Chí Minh được nhìn qua một lăng kính riêng biệt và cụ thể. Sự hiện diện của nước, các căn nhà xưa cũ, các địa điểm có thật đều được kết nối chặt chẽ để kể một câu chuyện về sự đơn độc".
Mặc dù vậy, giám đốc nghệ thuật của Berlin thừa nhận bộ phim "có phong cách rất táo bạo, có thể khiến khán giả không thoải mái".
Hiện tại, vài tháng sau khi Vị đoạt giải tại Berlin, bộ phim đang là chủ đề tranh cãi tại Việt Nam vì bị cấm chiếu và thông tin "từ bỏ quốc tịch" Việt Nam. Cuộc tranh cãi dữ dội đến mức trong những ngày qua, nhiều cư dân mạng Việt Nam "tấn công" trailer phim Vị trên kênh YouTube của Liên hoan phim Berlin. Họ sử dụng ngôn từ nặng nề, mang tính mạt sát.
Các cư dân mạng chỉ trích cảnh ăn cơm khỏa thân trong trailer. Dựa vào thông tin phim có hơn 30 phút khỏa thân, có người quy kết phim "bệnh hoạn". "Một đống rác không hơn không kém" - một bình luận tiếng Việt viết. "Bẩn thỉu, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam" - một bình luận khác.
"Đừng biến nhà làm phim thành người phạm pháp"
Một vấn đề khác phim Vị đang phải đối mặt là việc phim "đa quốc tịch" (bên cạnh Việt Nam còn có Singapore, Pháp, Đài Loan...) nhưng ban đầu không nộp kịch bản cho hội đồng duyệt. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận định nếu vậy, phim đã vi phạm Luật Điện ảnh.
Phim Ròm từng gặp hoàn cảnh tương tự khi nhà sản xuất Bảo Nguyễn (người Mỹ gốc Việt) tham gia với vai trò nhà sản xuất khi phim đang làm hậu kỳ. Trong khi đó, ban đầu đây là một dự án hoàn toàn Việt Nam. Sau đó, khi Ròm gửi bản phim để duyệt, nhà sản xuất nước ngoài phải rút tên để tránh việc phim bị coi là vi phạm.
Ròm là một trường hợp điển hình để thảo luận khi bàn về Luật Điện ảnh - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dẫn ví dụ này và kiến nghị Luật Điện ảnh cần thay đổi để "đừng biến người làm phim đột nhiên trở thành người vi phạm pháp luật", bởi việc hợp tác sản xuất quốc tế sẽ ngày càng phổ biến trong quá trình làm phim.
"Có những người tìm cách du di, lách luật để giúp nhà làm phim nhưng tôi nghĩ đó không phải là cách tốt. Trước đây, luật chưa hoàn thiện nên phải du di, nhưng không một nhà làm phim nào muốn rơi vào tình thế như vậy" - Phan Gia Nhật Linh nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di nói: "Để điện ảnh phát triển, chúng ta vẫn cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cơ chế hiện tại rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ tiền. Quá trình duyệt kịch bản rất mất thời gian và họ phải rời đi".
Do đó, đạo diễn Phan Đăng Di kiến nghị "xóa bỏ yêu cầu duyệt trước kịch bản cho phim hợp tác nước ngoài hoặc có nhân sự nước ngoài, thay vào đó để các hãng sản xuất ký cam kết phim không vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam".
Ông Park Sung Ho, Giám tuyển Liên hoan phim Busan, nói tại tọa đàm "Ai góp ý giơ tay 2" - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Ông Park Sung Ho, Giám tuyển Liên hoan phim Busan, đánh giá cao tiềm năng của các nhà làm phim Việt Nam và cho rằng "điều khác nhau duy nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc là sự hỗ trợ và hệ thống giúp các nhà làm phim đạt đến tầm cao nhất".
Ông Park Sung Ho chính là người chọn 2 phim Ròm và Vị của Việt Nam tham gia Liên hoan phim Busan năm 2019 và 2021. Năm 2019, Ròm đi Busan khi chưa được cấp phép còn năm nay, Vị được chọn khi vẫn đang bị cấm chiếu tại Việt Nam.
Ông nhận xét về 2 bộ phim: "Tôi cảm nhận được hình ảnh, âm thanh, sự chân thành, tính tác giả, sự sáng tạo, nhịp dựng của phim. Tôi xúc động không chỉ vì trái tim mà còn ở tâm trí".
Vincenzo Bugno, Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới (World Cinema Fund) - Ảnh CINEBH
Ra thế giới, tiếng nói của đạo diễn đặc biệt được tôn trọng
Ông Vincenzo Bugno, Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới (World Cinema Fund), nói về tiêu chí chọn dự án để đầu tư: "Tính bản địa càng rõ thì tính hội nhập càng cao. Kim chỉ nam của chúng tôi là chúng tôi thực sự muốn hiểu được các nền văn hóa khác nhau. Khi bạn nộp hồ sơ cho Quỹ Điện ảnh thế giới, bạn có người đồng sản xuất ở nước ngoài nhưng không một ai được thay đổi tầm nhìn nội dung, nghệ thuật của đạo diễn. Tiếng nói của đạo diễn đặc biệt được tôn trọng".
Theo Tuổi trẻ